Vừa qua, trong số 11 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật có liên quan bất động sản là Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có số phiếu không tán thành cao nhất.
Trong khi các luật khác gần như được tán thành tuyệt đối, dự luật này có đến 37/469 đại biểu có mặt không tán thành và 28 đại biểu không biểu quyết (tổng cộng gần 14%).
Số liệu này phản ánh đúng với tâm trạng băn khoăn của một số đại biểu khi có ý kiến về các dự luật này, các đại biểu bày tỏ lo ngại việc xây dựng các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư, quyết định) của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương không kịp và đảm bảo để các luật đi ngay vào đời sống từ 1-8.
Tuy nhiên một điều để đa phần các đại biểu còn lại gửi niềm tin, đồng tình thông qua dự luật chính là sự cam kết, lời hứa và quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương mong muốn Quốc hội bấm nút để luật sớm có hiệu lực, gỡ tháo những vướng mắc, điểm nghẽn.
Niềm tin hứa hẹn từ luật giúp khơi thông thị trường bất động sản và khơi thông nguồn lực đất đai được đại biểu đặt trên từng nút bấm.
Chỉ còn một tháng để các cơ quan cả trung ương, địa phương tập trung đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn. Bước đầu thực hiện lời hứa xây dựng đủ văn bản dưới luật rất quan trọng, bởi qua đó cho thấy hiệu quả thực hiện cam kết của Chính phủ và các cơ quan liên quan dự luật.
Không để xảy ra tình trạng thông tư "chờ" nghị định, văn bản của địa phương "chờ" văn bản của trung ương mới chỉ là bước đầu. Bước tổ chức thực thi mới quyết định hiệu quả, hiệu lực của việc đưa luật vào cuộc sống. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức công vụ của đội ngũ thực thi.
Trước đây các cơ quan quản lý cho rằng có những vướng mắc, điểm nghẽn do quy định chồng chéo, không rõ, sắp đến áp dụng luật mới này, nhiều doanh nghiệp đặt dấu hỏi liệu dự án có chạy thông suốt? Vướng mắc có được tháo gỡ triệt để?
Trước mắt vấn đề tính tiền sử dụng đất được các doanh nghiệp chờ đợi nhất. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Luật Đất đai mới đã giải quyết được việc đùn đẩy, sợ trách nhiệm định giá đất.
Khi luật có hiệu lực, các địa phương sẽ tin tưởng, và với quy trình rõ ràng minh bạch, việc định giá đất sẽ thực hiện được việc tính tiền sử dụng đất cho các dự án.
Khi thực thi hiệu quả, hẳn sẽ không còn lý do để các cơ quan đùn đẩy, viện cớ khó khăn giải quyết cho các dự án. Số lượng dự án được tháo gỡ, phê duyệt nghĩa vụ tài chính sẽ là minh chứng cho hiệu quả công vụ khi luật mới có hiệu lực.
Tương tự ở các nhóm vướng mắc dự án khác, khi luật có hiệu lực, cần sự bắt tay vào cuộc sớm của các bộ ngành, địa phương, các tổ tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản trung ương và địa phương để "áp" luật gỡ khó.
Ở góc độ người dân, nhiều gia đình cũng chờ đợi được giải quyết cấp sổ đỏ khi các điều kiện trong luật mới thông thoáng, đặt quyền lợi người dân cao hơn. Có luật rồi, quy định rõ, nếu còn kêu khó kêu vướng sẽ khó nói với doanh nghiệp, với dân.
Quy định xử lý cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm khi đó cũng cần để áp vào để đảm bảo sự nghiêm minh công vụ.
Chính phủ đã được Quốc hội giao chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Kết quả cụ thể tháo gỡ từng vướng mắc, từng dự án, từng vấn đề vốn làm trì trệ, tắc nghẽn thị trường bất động sản chính là minh chứng rõ nét cho kết quả thực hiện lời hứa, trách nhiệm của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận