Biểu tình đòi cấp visa cho người xin nhập cư ở Tokyo ngày 9-9-2015 - Ảnh: REUTERS
Từ trước đến nay, Nhật không bao giờ mở rộng vòng tay tiếp nhận người nhập cư. Năm 2017, Nhật chỉ chấp thuận 20 hồ sơ trong số 19.628 người xin tị nạn. Phần lớn những người may mắn là công dân Afghanistan, Ai Cập hay Syria. Năm trước nữa, Nhật cũng chỉ duyệt 28 hồ sơ trong tổng số 10.901 đơn xin tị nạn.
Xét nhập cư rất khắt khe
Các điều kiện xin nhập cư vào Nhật bắt đầu trở nên khó khăn hơn sau ngày 15-9-2015, khi Bộ Tư pháp Nhật thông báo sửa đổi quyền xin tị nạn trong khuôn khổ cải cách toàn diện pháp luật về nhập cư.
Theo quy định mới, đơn xin nhập cư vì lý do kinh tế sẽ được xem xét rất hạn chế. Đương đơn xin nhập cư nhiều lần thậm chí sẽ bị tước giấy phép lưu trú.
Khi bị các tổ chức phi chính phủ phê phán, chính quyền Tokyo giải thích rằng không thể tiếp nhận người nhập cư nhiều hơn do cơ sở hạ tầng thiếu thốn và Nhật chỉ có thể tiếp nhận nhân công có tay nghề cao hoặc nhân công có thể đào tạo được theo yêu cầu của phía Nhật.
Về vấn đề này, có lần Thủ tướng Shinzo Abe đã giải thích với báo chí: "Đây là vấn đề dân số. Trước khi tiếp nhận người nhập cư hay người tị nạn, Nhật phải tạo nhiều hoạt động hơn nữa cho phụ nữ, người cao tuổi và phải tăng sinh suất. Còn nhiều việc chúng tôi phải làm trước khi tiếp nhận thêm người nhập cư".
Sau khi ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền vào tháng 12-2012, tình hình giải quyết công ăn việc làm có phần phấn khởi hơn. Tỉ lệ thất nghiệp 2,7% vào tháng 11-2017 là mức thấp nhất 24 năm qua. Nhu cầu công việc chưa bao giờ phong phú như hiện nay với 156 công việc cho 100 người, mức cao chưa từng thấy từ năm 1975.
Các thực tập sinh kỹ thuật người châu Á thường làm việc trong các công trường xây dựng đầy nguy hiểm ở Nhật - Ảnh: SIPA
106 công ty phá sản do thiếu nhân công
Theo Thủ tướng Abe, tiếp nhận đông đảo lao động nước ngoài chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề đe dọa xã hội Nhật. Dù vậy, Nhật vẫn rất cần lao động nước ngoài.
Dân số Nhật hiện nay hơn 126 triệu người và dự báo đến năm 2060 sẽ giảm còn 87 triệu dân. Dân số ngày càng giảm và già đi nên nhân công thiếu gay gắt. Đặc biệt lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng rất cần người trong giai đoạn tái thiết sau thảm họa Fukushima và chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020.
Theo Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, trong năm 2017 đã có 106 công ty buộc phải phá sản do thiếu nhân công, tăng thêm 34 công ty so với năm trước.
Để đáp ứng nhu cầu lao động không có tay nghề cung ứng cho các công trường xây dựng, thay vì mở rộng tiêu chuẩn xét nhập cư dài hạn, Nhật đã chọn một giải pháp gây nhiều tranh cãi. Đó là tuyển dụng thực tập sinh kỹ thuật.
Số lượng thực tập sinh kỹ thuật bình quân tăng 25% mỗi năm. Đến nay đã có 220.000 lao động đến từ Trung Quốc (nhiều nhất), Việt Nam và Philippines .
Lực lượng thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài rất cần cho công nghiệp, dệt may, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực xây dựng và chăm sóc sức khỏe.
Về mặt chính thức, thực tập sinh kỹ thuật được tuyển dụng đi Nhật để học nghề trong ba năm. Trên thực tế, một số người đã bị chủ doanh nghiệp Nhật lợi dụng.
Chết vì bị bóc lột quá sức
Điều đáng buồn là các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài đã bị bóc lột sức lao động đến mức đã có tối thiểu 27 thực tập sinh tử vong trong năm 2013-2014 và 30 thực tập sinh tử vong trong năm 2015-2016 theo số liệu của Nhật.
Trong 30% trường hợp, các thực tập sinh tử vong do tai nạn lao động hoặc tai biến mạch máu não. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền Nhật, nguyên nhân do họ bị stress và làm việc quá sức.
Một "thực tập sinh kỹ thuật" người Trung Quốc làm việc trong nhà máy chế biến hàu ở Hiroshima - Ảnh: JAPAN TIMES
Bóc lột thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài
Các trường hợp thực tập sinh kỹ thuật bị lạm dụng sức lao động thường xảy ra tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý đồ tìm kiếm nhân công rẻ tiền như các nhà máy nhỏ hoặc nông trại.
Các thực tập sinh chẳng được dạy nghề gì cả mà chỉ làm công việc lặp đi lặp lại. Họ làm việc không có định mức lao động và bị trả lương rẻ mạt. Có nhiều hình thức lạm dụng như tịch thu hộ chiếu (nhằm tránh tình trạng bỏ đi), cắt xén lương, sa thải vô tội vạ, tấn công bằng vũ lực hoặc thậm chí là tấn công tình dục.
Kiểu thực tập như thế thật ra là chính sách nhập cư ngụy tạo. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nô lệ thời hiện đại. Các thực tập sinh không có quyền thay đổi nơi làm việc. Để trả nợ (tiền vay để làm thủ tục đi lao động), họ chỉ có thể làm việc đến hết thời gian thực tập. Như vậy rõ ràng là lao động cưỡng bức"
Ông Ippei Torii - chủ tịch tổ chức "Mạng lưới Đoàn kết với người nhập cư ở Nhật"
Các trường hợp o ép để không trả lương xảy ra trong ngành công nghiệp dệt may. Trong xây dựng, các vụ tai nạn lao động bị che giấu. Còn trong nông nghiệp, chuyện ép làm thêm giờ không trả thêm tiền xảy ra như cơm bữa.
Chủ lao động thường xén 1/3 tiền lương với lý do thanh toán tiền ở trọ. Rất nhiều trường hợp không đóng bảo hiểm.
Nhiều thực tập sinh chịu không nổi đã bỏ trốn. Theo Bộ Tư pháp Nhật, chỉ trong năm 2014 đã có 4.581 thực tập sinh mất tích. Con số này sau đó tiếp tục tăng từng năm.
Luật của Nhật quy định phạt tù đến 10 năm đối với người thực hiện các hành vi lạm dụng nêu trên. Dù vậy, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi hệ thống tuyển dụng mù mờ, cơ quan chức năng lại thiếu kiểm tra thường xuyên.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật ước tính để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020 còn cần thêm 700.000 lao động nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận