27/03/2017 10:00 GMT+7

​Thực phẩm nên và không nên dùng khi đang cho con bú

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Sau sinh là thời điểm bà mẹ tích lũy dinh dưỡng tạo sữa cho con bú. Vì vậy, bà mẹ cần được ăn uống đầy đủ với một chế độ dinh dưỡng đúng và kiêng ăn một số thực phẩm không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng

Năng lượng trong khẩu phần hàng ngày của bà mẹ cho con bú là 2.750 kcal, cao hơn phụ nữ có thai (2550 kcal). Vì vậy bà mẹ trong thời kỳ cho con bú cần ăn uống cân đối, đầy đủ năng lượng, đạm, sắt, canxi, I-ốt… Nên ăn nhiều thức ăn giàu chất đạm như gia cầm, trứng, cá thịt, các loại đậu… Chú ý các thực phẩm giàu canxi và các vi chất khác như magiê, kẽm cũng cần bổ sung đầy đủ. Việc cung cấp các thực phẩm giàu canxi giúp trẻ phát triển tối đa chiều cao, tốt cho phát triển xương và răng.

Bên cạnh đó, người mẹ không bị chứng hạ canxi huyết và phòng ngừa được chứng loãng xương sau này. Canxi có nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa, bơ, đậu hũ, cá mòi, tôm, cua, trứng... Magiê có nhiều trong cải xoăn, cải lá xanh, khoai tây, bí đỏ, bơ, mận, xoài, dưa hấu… Kẽm có nhiều trong củ cải, cùi dừa già, đậu nành, thịt heo nạc, thịt bò, thịt gà ta, khoai lang, ổi… Sắt có nhiều trong thịt sẫm màu (thịt bò, thịt cừu, thịt heo…).

Ngoài ra, bà mẹ cần tăng cường uống nước và sữa nhằm tăng tạo sữa. Cần bổ sung thêm các loại hoa quả tươi và rau xanh như thanh long, chuối, rau đay, mồng tơi, rau muống… để đảm bảo lượng chất xơ, tăng vitamin và khoáng chất trong sữa mẹ, đồng thời tránh được táo bón cho cả mẹ và bé. Ăn thêm thức ăn giàu DHA (như cá thu, cá hồi...) để cung cấp đầy đủ DHA cho não trẻ phát triển toàn diện.

Hạn chế những thực phẩm dễ gây dị ứng

Khoa học đã chứng minh có mối liên hệ chặt chẽ giữa khẩu phần ăn của mẹ với mức tăng trưởng và sức khỏe của trẻ bú mẹ. Để bé được phát triển tối ưu và luôn khỏe mạnh thì các bà mẹ đang cho con bú nên hạn chế thức ăn nhiều chất béo và đường, vì chúng không chỉ khiến mẹ tăng cân nhiều mà còn dẫn đến nguy cơ béo phì, tiểu đường cho trẻ sau này.

Sôcôla cũng là thực phẩm mà các bà mẹ nên hạn chế dùng, vì trong sôcôla có chứa hàm lượng lớn caffein và đường. Cả hai chất này có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa ở trẻ bú mẹ.

Đang cho con bú, bà mẹ không nên ăn măng, vì trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao. Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Mặc dù độc tố HCN có thể dễ dàng hòa tan trong nước và bay hơi khi nước sôi, nhưng các bà mẹ đang cho con bú vẫn nên cẩn trọng. Không những độc hại, ăn nhiều măng cũng có thể làm giảm tiết sữa của cơ thể. 

Nếu bà mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử dị ứng thức ăn thì nên cẩn trọng khi dùng những thực phẩm có tính dị ứng cao như hải sản, cá biển, đậu phộng, trứng, bắp… Vì bệnh dị ứng thức ăn có tính di truyền. Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với sữa bò thì người mẹ cũng nên kiêng thịt bò, hay các thực phẩm được chế biến từ sữa bò như sữa chua, kem, phô mai, bánh…

Trong thời kỳ cho con bú cũng giống như thời kỳ mang thai, các bà mẹ không nên ăn các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá mập (hay còn gọi là cá nhám), cá kiếm, cá thu lớn, cá kình… vì thủy ngân có thể thấm vào sữa. Trẻ bị nhiễm thủy ngân từ sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh, trẻ sẽ bị chậm đi, chậm nói, những vấn đề hoạt động về tư duy cũng sẽ kém phát triển.

Vì sức khỏe của trẻ, các bà mẹ cũng nên hạn chế ăn những loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu, tỏi, vì một số trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với cay nóng. Mẹ cho con bú mà ăn cay có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ gặp vấn đề, trẻ có thể bị táo bón, đau bụng hoặc cáu gắt. Nếu vẫn muốn ăn cay, mẹ có thể thay thế bằng món gừng. Gừng là một trong những gia vị có tác dụng dịu bụng cho mẹ và cả bé. Hạn chế một vài loại gia vị nặng mùi như hành, tỏi, cà ri… có thể qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Cân nhắc với đồ uống có chứa caffeine và cồn

Một số loại đồ uống như cà phê, trà, nước soda, nước tăng lực, nước có ga… có chứa nhiều caffein - chất gây kích thích hệ thần kinh làm tăng cường sự tỉnh táo, đồng thời kìm hãm sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm. Khi bà mẹ đang cho con bú uống lượng lớn đồ uống chứa caffein (3 - 4 ly cà phê hoặc 5 - 6 tách trà) mỗi ngày, thì caffein có thể ngấm vào sữa mẹ và truyền sang cho trẻ. Quá nhiều caffein trong cơ thể trẻ có thể khiến trẻ bị kích ứng, cáu kỉnh, quấy khóc và mất ngủ. Việc không có đủ giấc ngủ sâu sẽ cản trở sự phát triển trí não của trẻ ở độ tuổi thiếu niên.

Ngoài ra, một số bà mẹ áp dụng kinh nghiệm dân gian là uống bia để tăng sữa, nhưng thực chất việc uống những đồ uống có cồn (bia, rượu) không tốt cho cả mẹ lẫn con. Vì cồn sẽ đi vào máu làm ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan nội tạng, thần kinh của người mẹ và người mẹ có nguy cơ mất sữa. Sau đó cồn từ máu của người mẹ ngấm vào sữa và truyền qua trẻ bú mẹ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, khiến trẻ buồn ngủ, giấc ngủ sâu, suy nhược, tăng cân bất thường…

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp