08/04/2025 14:12 GMT+7

Thực phẩm chức năng 'dỏm' tự ra thị trường, người dân 'lãnh đủ' mới xử lý?

Một số loại thực phẩm chức năng không cần kiểm soát chất lượng trước khi sản xuất, lưu thông đã khiến người dùng tổn thương não, suy gan, suy thận… Dù sau đó các sản phẩm bị thu hồi thì người tiêu dùng cũng đã lãnh đủ.

thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng phát hiện nhóm sản xuất thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội - Ảnh: TRẦN TÂM

Dễ dàng sản xuất, người dùng lãnh đủ

Thời gian qua, không ít vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng "không biết tin vào đâu" khi mua các sản phẩm trên thị trường.

Mới đây, tại tỉnh Phú Thọ, người phụ nữ 67 tuổi sau nhiều ngày tham dự một hội thảo đã mua 20 lọ thực phẩm chức năng với giá "ưu đãi". 

Thế nhưng, sau khi sử dụng lọ đầu tiên, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa. Sau khi sử dụng đến lọ thứ 5, ngoài rối loạn tiêu hóa, người bệnh còn cảm thấy tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng. Sau đó được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đây không phải trường hợp hy hữu nhập viện sau khi sử dụng thực phẩm chức năng. Thậm chí, thời gian qua không ít người cũng suy gan, thận, tổn thương não vì những sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân.

Mới đây, trường hợp bé 13 tuổi phải nhập viện vì gia đình cho bé uống thuốc giảm cân. Bệnh nhi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, chỉ số xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường.

Trước đó không lâu, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ở Quảng Ninh phải cắt toàn bộ thực quản dạ dày do uống thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân.

Hầu hết những loại thực phẩm chức năng giúp giảm cân này khi lấy mẫu giám định tại Viện Pháp y quốc gia đều có chứa sibutramine. Đây là một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược và thực phẩm chức năng, vì những tác dụng gây nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Sau đó, tất cả những loại thực phẩm chức năng chứa chất cấm này đều bị Bộ Y tế thu hồi. Dù vậy, trước khi bị thu hồi thì người tiêu dùng đã lãnh đủ hậu quả.

Việc các sản phẩm chứa chất cấm hay không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn dễ dàng được đưa ra thị trường là do quy định về tự công bố hiện nay.

Theo đó, thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm là thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. 

Trong đó, với nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố - nghĩa là các sản phẩm sẽ được sản xuất và lưu thông ngay khi thực hiện tự công bố và không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Hàng ngàn sản phẩm tự công bố, hậu kiểm bao nhiêu?

Theo nghị định 15 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã phân cấp cho địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, các sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm được thực hiện hầu hết tại địa phương.

Bộ Y tế chỉ quản lý và cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung) trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.

Mặc dù công tác hậu kiểm vẫn được duy trì, Bộ Y tế thừa nhận công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.

Thực tế, với hàng ngàn thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường nhưng công tác hậu kiểm còn hạn chế. Đồng nghĩa còn rất nhiều sản phẩm đang được lưu thông nhưng chưa được kiểm soát về chất lượng, người tiêu dùng cũng có thể gặp rủi do khi sử dụng sản phẩm bất cứ lúc nào.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân một phần do thiếu nhân lực, trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí... nhất là trong bối cảnh sản phẩm tự công bố ngày càng lớn và phong phú. Chỉ tính riêng TP.HCM có gần 200.000 sản phẩm tự công bố.

Bộ Y tế cũng cho rằng vì hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm đơn giản nên rất nhiều sản phẩm được nộp với các chỉ tiêu kiểm nghiệm, ghi nhãn sản phẩm không đạt theo quy định. Do đó, việc sản phẩm không đảm bảo an toàn này lưu thông trên thị trường là một thách thức lớn trong công tác hậu kiểm.

Bên cạnh đó, quy định "ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức/cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm" dẫn đến tình trạng khi phát hiện sản phẩm công bố không đúng quy định thì sản phẩm đã được tiêu thụ trên thị trường.

Phương thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý, công bố không đúng, không đầy đủ.

Thuận lợi về mặt hành chính cho doanh nghiệp thế nhưng hiện nay quy định này đã phát sinh nhiều bất cập. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 15, Luật An toàn thực phẩm để quản lý chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm hiện nay.

Hàng ngàn cơ sở bị xử phạt, hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật được phát hiện

Trong thời gian qua, việc quản lý chất lượng các sản phẩm này tập trung khâu hậu kiểm. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã xử phạt 87 cơ sở với số tiền 16,8 tỉ đồng; tại địa phương xử phạt 20.881 cơ sở với số tiền phạt 123,8 tỉ đồng liên quan đến thực phẩm chức năng...

Các vi phạm chủ yếu bao gồm quảng cáo sai sự thật, vi phạm về nhãn mác và chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến buôn bán sản phẩm có chất cấm và hàng giả đã được chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.

Năm 2024, Bộ Công an phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm nói chung với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Khởi tố 62 vụ, 97 bị can, trong đó tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm 43 vụ, chiếm 69,3%.

Thực phẩm chức năng ‘dỏm’ tự ra thị trường, người dân 'lãnh đủ' mới xử lý? - Ảnh 2.Quảng cáo thực phẩm chức năng 'nổ' vô tội vạ, tội nghiệp cho người dân

Bộ Y tế vừa cảnh báo nóng đến người dân trước tình trạng quảng cáo "nổ", sai sự thật về thực phẩm chức năng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp