Hiện nay vẫn còn tình trạng tiểu thương sử dụng chất cấm để xử lý thực phẩm. Trong ảnh: người bán nhúng dừa vào chất tẩy trắng - Ảnh: T.T.D. |
Chiều 24-5, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại UBND TP về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều đại biểu tỏ thái độ băn khoăn, bức xúc trước thực tế quản lý thực phẩm trên địa bàn TP vẫn còn quá nhiều lỏng lẻo...
Trách nhiệm ban quản lý chợ, chính quyền ở đâu?
Đại biểu Cao Thanh Bình đặt vấn đề: “Đại diện Sở Công thương TP trong một hội thảo gần đây đã khẳng định nếu kiểm soát tốt chợ đầu mối thì sẽ kiểm soát được 80% lượng thực phẩm trên địa bàn TP. Nhưng thật sự tôi chưa an tâm!”
Ông Bình đưa các dẫn chứng như lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm ở các chợ quá mỏng, tỉ lệ test nhanh (kiểm tra nhanh) các mẫu thực phẩm chỉ đạt chưa đầy 1% và đặt câu hỏi: “Như vậy làm sao có thể tự tin là toàn bộ hàng hóa đảm bảo?”
Theo ông Bình, thực phẩm từ chợ đầu mối đi ra các chợ lẻ cũng khó kiểm soát.
“Hàng từ chợ đầu mối đi ra, tiểu thương chỉ có một tờ giấy, thậm chí là vài chữ nguệch ngoạc sau tờ lịch ghi rằng đấy là hàng lấy từ chợ đầu mối thôi, có gì đảm bảo? Sao chúng ta không xuất một hóa đơn chi tiết các loại hàng hóa, có đóng mộc hẳn hoi để khi có sự cố xảy ra thì dễ dàng truy xuất nguồn gốc?” - ông Bình đề xuất.
Đại biểu Cao Thanh Bình cũng cho rằng cần xem lại trách nhiệm của ban quản lý ở các chợ.
“Chính ban quản lý chợ đã nói nếu làm căng thì tiểu thương họ không vào chợ nữa. Đã có trường hợp trước đây khi test hàng, chỗ nào làm sai thì thông báo công khai, nhưng rồi khi tiểu thương khóc lóc than bị tẩy chay thì ban quản lý chợ lại chùn tay” - ông Bình phản ảnh.
Có cùng mối quan tâm như ông Bình, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng báo cáo của cơ quan quản lý nói kiểm soát được rau củ về chợ đầu mối, nhưng thực tế các đoàn kiểm tra chuyên ngành chủ yếu chỉ kiểm soát trên giấy - dựa trên hóa đơn, chứng từ - chứ chưa có test nhanh các mẫu thực phẩm!
Ngoài ra, bà Ngọc cho rằng quá trình vận chuyển từ chợ đầu mối về điểm bán lẻ cũng không có gì đảm bảo thương lái, tiểu thương không sử dụng hóa chất cấm để bảo quản hoặc trộn lẫn hàng kém chất lượng.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nhận xét hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chỉ quy định xử lý trách nhiệm của chủ thể gây ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi đó còn bỏ trống trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương khi tắc trách trong quản lý.
Xem xét, xử lý hình sự đối tượng vi phạm
Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề quan trọng của TP. TP phấn đấu tất cả thực phẩm được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng trên địa bàn TP đều phải là thực phẩm an toàn.
“Đây là mục tiêu rất lớn, rất khó nhưng phải quyết tâm thực hiện cho được. Yêu cầu đặt ra là tất cả thực phẩm đến TP đều phải có nguồn gốc rõ ràng và xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm an toàn” - ông Tuyến nói.
“Không thể test toàn bộ thực phẩm nhưng chỉ cần xử lý thật mạnh tay một vài vụ sẽ có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe - Ông Trần Vĩnh Tuyến (phó chủ tịch UBND TP.HCM) |
Ông Tuyến nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu.
“Nơi nào phát hiện cơ sở giết mổ lậu thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, có tiêu cực sẽ xử lý nghiêm. Người đứng đầu doanh nghiệp mà để xảy ra ngộ độc thực phẩm gây chết người thì phải điều tra, đủ cơ sở, chứng cứ thì khởi tố chứ không thể để tình trạng cứ ngộ độc rồi bồi thường là xong” - ông Tuyến cương quyết.
Cũng theo ông Tuyến, một sản phẩm khi test không đạt chất lượng mà chỉ trả lại nơi sản xuất thì quá đơn giản, không mang lại hiệu quả. Ông Tuyến yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát quy định pháp luật, trường hợp phát hiện sai phạm, quy rõ được trách nhiệm là do ai thì xử thật nặng, thậm chí nếu đủ cơ sở sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Tuyến chia sẻ thêm rằng không phải TP.HCM có khuynh hướng muốn hình sự hóa các vụ việc, nhưng phải nhấn mạnh vấn đề xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm bởi đây là tội ác làm ảnh hưởng đến sức khỏe toàn xã hội.
Về quản lý hóa chất, ông Tuyến khẳng định TP đang gấp rút xúc tiến xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất tập trung để đưa tất cả cơ sở kinh doanh hóa chất về đây.
Nơi này sẽ được quản lý, kiểm soát nghiêm, có camera giám sát. Hộ kinh doanh hóa chất nào không chịu về đây buôn bán thì bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề chứ không được bán hóa chất bên ngoài nữa.
Khuyến khích làm tốt, không “rình” để phạt Riêng với việc kiểm tra các cửa hàng ăn uống, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu đoàn kiểm tra phải thông báo lịch kiểm tra cho chủ cửa hàng biết để họ rà soát, khắc phục sai sót nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. “Ở đây chúng ta khuyến khích họ làm tốt hơn chứ không rình rập để phạt. Bởi như thế nhiều khi còn nảy sinh tiêu cực vì không phạt được mà còn đến hù dọa rồi lấy phong bì, Nhà nước không được gì, người dân cũng không được gì cả” - ông Tuyến nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận