Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối tại TP.HCM mong giá cước giảm để có thể giảm giá thực phẩm Ảnh: Tiến Long |
Từ 11g trưa 7-11, giá xăng dầu trong nước đã giảm lần thứ 9 trong vòng hơn bốn tháng qua.
Trước đó một ngày, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào.
Trước sức ép mới này các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt những đơn vị chuyên chở các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, rau củ quả, thủy hải sản và các loại nông sản khác, đã bắt đầu có động thái giảm giá.
Giảm tượng trưng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Tuyền - phòng kinh doanh Công ty vận tải Minh Phước (Q.12, TP.HCM) - cho hay giá cước vận tải hàng hóa nông sản đi từ miền Tây lên TP.HCM vẫn được đơn vị áp dụng theo mức cũ nhưng có thể linh động giảm bớt cho khách chút ít.
Chẳng hạn, xe 8 tấn chở rau củ quả và các loại nông sản khác từ Cao Lãnh, Đồng Tháp đi TP.HCM vẫn ở mức 7 triệu đồng/chuyến. Chi phí cầu đường do hãng xe tự lo.
“Mức giá này có thể giảm được một chút nhưng nói thật là phải khi nào dư xe chút mới giảm được. Còn lúc vào mùa, xe không đủ chở cho khách thì chúng tôi không giảm” - ông Tuyền cho biết.
Trong khi đó, ông Lý Minh Luân - Công ty vận tải đường sông Minh Luân, chuyên chở gạo, cám, tấm và bã đậu nành từ miền Tây lên TP.HCM - cho biết từ ngày 7-11 có giảm giá cước cho khách.
Cụ thể, vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản khác bằng ghe sắt hoặc sà lan từ cảng Mỹ Thới, Long Xuyên lên cảng Sài Gòn chỉ còn khoảng 120.000 đồng/tấn, so với mức cũ 130.000 đồng/tấn.
Với vận tải đường bộ, đơn vị này cũng giảm khoảng 5% so với mức cước vận tải hiện tại là 500.000 đồng/tấn với xe 5 tấn trở lên.
“Cố lắm chỉ giảm được chừng đó thôi, có ai bảo giảm nữa cũng chịu. Các loại thuế, phí và những khoản phải chi khác trên đường hãng xe phải lo hết, nặng lắm” - ông Luân phân bua.
Giảm không tương ứng Qua chín lần giảm giá xăng, tổng mức giảm đạt 4.250 đồng/lít, tương đương giảm 16,57%. Theo tính toán sơ bộ, một xe tải loại 5-8 tấn nếu chạy từ Cần Thơ lên TP.HCM khoảng 170km tốn khoảng 22 lít xăng. Tính ra nhà xe lợi được 93.500 đồng, tương đương lợi 16,57% về chi phí. Trong khi đó, giá xe vận tải miền Tây - TP.HCM ngày 7-11 là khoảng 450.000 đồng/tấn, giảm 50.000 đồng, tương đương giảm 5%. |
Đại diện Công ty vận tải Việt Đức cũng thừa nhận mấy ngày qua liên tục tiếp nhận các yêu cầu của khách hàng cả mới lẫn cũ đòi giảm giá cước do giá xăng dầu giảm và do các cơ quan chức năng yêu cầu giảm giá.
“Xăng dầu giảm, tính ra mỗi tấn hàng chuyên chở giảm được khoảng 20.000 đồng/tấn. Xe 8 tấn của chúng tôi chở hàng hóa tính ra chỉ giảm được 160.000 đồng/chuyến. Nếu khách muốn, chúng tôi sẽ giảm cho họ được chừng đó là cùng” - đại diện Công ty Việt Đức nói.
Công ty này chuyên chở vật liệu xây dựng từ TP.HCM đi các tỉnh hoặc chở nông sản, rau củ quả, thủy hải sản tuyến TP.HCM - Đà Lạt và các tỉnh Tây nguyên.
Tiểu thương yêu cầu giảm cước
Ghi nhận tại Đà Lạt, nơi có sản lượng nông sản rau củ lớn vận chuyển về TP.HCM mỗi ngày, nhiều doanh nghiệp vận tải thừa nhận dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá cước vận tải nông sản mới bắt đầu giảm và mức giảm không đáng kể.
Anh Ngô Văn Huy, chuyên chở rau cho tiểu thương đi TP.HCM, cho biết hiện phí vận tải nông sản dao động 550-600 đồng/kg, tùy vào địa điểm giao hàng.
Mức phí này đã giảm 50 đồng/kg (khoảng 8%) so với thời điểm cách đây 10 ngày.
Các tiểu thương tại chợ nông sản Đà Lạt cho rằng giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, nhưng các hãng vận chuyển chậm hạ giá cước, đến khi giảm thì giảm quá ít.
Bà Đỗ Thị Thùy, tiểu thương chợ nông sản Đà Lạt, nói: “Mức giảm cước 50 đồng/kg rau củ là quá ít để tôi giảm giá rau bán đi các tỉnh. Hiện giá nông sản chúng tôi không thay đổi”.
Bà Thùy cho biết thêm: “Tiểu thương nhiều lần yêu cầu các hãng xe chở hàng giải thích thì họ trả lời lúc giá xăng lên thì họ không tăng cước, nên giờ giá xăng hạ họ cũng không hạ, vậy là huề”.
Về việc các đơn vị chuyên chở chậm hạ giá cước và mức hạ cước không đáng kể, anh Huy giải thích: “Phí cầu đường càng lúc càng tăng và nhiều chi phí khó nói khác trên đường vận chuyển hàng từ TP Đà Lạt không hề giảm, thậm chí còn tăng nên giá xăng dầu giảm chỉ khiến giá vận chuyển giảm nhẹ”.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh có khoảng 3.000 xe tải đang tham gia vận chuyển nông sản. Mức giá các doanh nghiệp vận tải đang áp dụng kinh doanh hiện nay đã hình thành từ hơn bảy tháng trước.
Theo tính toán của ông, chi phí nhiên liệu chiếm 35-45% cước phí vận tải, nếu các chi phí khác không tăng trong khi xăng dầu giảm liên tục trong bốn tháng tổng cộng 4.250 đồng/lít, tương đương giảm 16,57% thì mức giảm cước vận tải chỉ đạt 5-8% là chưa hợp lý.
Trong khi đó, tại các chợ đầu mối TP.HCM, nhiều tiểu thương cũng khẳng định giá cước vận chuyển nơi giảm, chỗ khác vẫn chưa.
Chủ sạp Ánh Phương, chợ đầu mối Hóc Môn, cho hay hiện chỉ duy nhất đơn vị Ti Tân là giảm giá cước vận chuyển hàng rau củ từ Đà Lạt về, cụ thể giá vận chuyển từ 700 đồng/kg xuống còn 600 đồng/kg (tương đương 600.000 đồng/tấn hàng).
Còn lại các loại rau củ từ Đơn Dương (Lâm Đồng) về TP.HCM không hề giảm giá.
Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chủ sạp Ngọc Duy cho hay hàng hóa từ miền Tây về các chợ đầu mối vẫn có mức giá cước như cũ, dao động 450.000 - 600.000 đồng/tấn hàng, tùy chặng vận chuyển.
Theo chị Ánh Phương, giá rau củ Đà Lạt có dấu hiệu giảm, nhiều mặt hàng giảm giá mạnh như bắp cải, su su, cà chua.
Tuy nhiên, giá giảm là do bị siết tải trọng vận chuyển, nên các thương lái ít đưa hàng đi các tỉnh miền Bắc, hàng hóa rộ vụ, quá nhiều tràn về các chợ đầu mối tại TP.HCM và các tỉnh khiến giá giảm.
“Nếu chỉ có một vài đơn vị vận chuyển giảm giá cước thì không ăn thua, phải đồng loạt thực hiện thì may ra mới làm giảm được giá rau củ bán ra” - chị Phương khẳng định.
Nên kiểm tra giá cước
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 7-11, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan sở giao thông vận tải, cục thuế kiểm tra giá cước vận tải.
Trường hợp giá xăng dầu giảm làm giảm giá thành cước vận tải thì yêu cầu doanh nghiệp hạ giá cước vận tải cho phù hợp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014.
Trả lời câu hỏi liệu có xử lý được doanh nghiệp không giảm giá cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm mạnh?, đại diện Bộ Tài chính cho rằng giá nhiên liệu chiếm khoảng 45% giá cước vận tải.
Vì vậy, giá xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian qua là cơ sở để doanh nghiệp vận tải xem xét để giảm giá cước, cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Quyền quyết định giá cước vận tải là của doanh nghiệp.
Đây là mặt hàng hoạt động theo cơ chế thị trường nên cơ quan quản lý chỉ có thể xử phạt khi doanh nghiệp không niêm yết giá cước, thực hiện sai giá kê khai...
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa - chuyên gia về chính sách giá, các cơ quan quản lý giá, quản lý kinh doanh vận tải và các địa phương phải khẩn trương kiểm tra giá cước vận tải và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá chứ không thể kêu gọi, khuyến nghị bằng văn bản hành chính được.
Giảm 950 đồng/lít xăng Ngày 7-11, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá xăng dầu tối thiểu từ 351-949 đồng/lít xăng dầu tùy loại (từ 11g ngày 7-11). Ngay sau đó, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) đã chính thức giảm giá bán lẻ, theo đó, giá xăng A92 chỉ còn 21.390 đồng/lít - giảm 950 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05S còn 19.240 đồng/lít - giảm 520 đồng/lít. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp đầu mối khác cũng có mức giảm giá tương tự, xoay quanh mức Bộ Công thương yêu cầu, thậm chí giảm nhiều hơn đến vài chục đồng/lít. Như Saigon Petro giảm giá xăng A92 xuống 21.390 đồng/lít, dầu diesel xuống 19.240 đồng/lít... Các doanh nghiệp đầu mối khác cũng theo đúng mức giảm tối thiểu của Bộ Công thương, trong đó dầu hỏa giảm ít nhất 351 đồng/lít, dầu mazut 3,5S giảm 895 đồng/kg. |
Giá cước vận tải hành khách giảm 5-7% Ông Trần Thanh Bảo - trưởng phòng điều hành Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và vận tải Thiên Phú (TP.HCM) - cho biết từ ngày 4-11 đơn vị đã giảm 5% giá vé xe đò tuyến TP.HCM - Vũng Tàu và 5% giá vé xe đò TP.HCM - Long Hải. Theo đó, giá vé các tuyến đường trên từ 100.000 đồng/hành khách giảm còn 95.000 đồng/hành khách. Ngay khi đơn vị giảm giá cước vận tải, một số doanh nghiệp vận tải cùng hoạt động ở hai tuyến xe đò trên cũng giảm giá vé tương ứng. Theo ông Bảo, nhiều doanh nghiệp giảm giá chứng tỏ các hãng xe cạnh tranh quyết liệt để thu hút hành khách. Với việc trưa 7-11 giá xăng dầu tiếp tục giảm, ông Bảo cho biết sẽ nghiên cứu nhưng khó có khả năng tiếp tục giảm giá, do chi phí cầu đường, lương nhân công và chi phí bảo dưỡng xe vẫn tăng cao. Trong khi đó, ông Hoàng Duy Kha (chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Đông Bắc - đơn vị có 30 tuyến xe đò từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, Tây nguyên và miền Trung) cho biết đơn vị vừa giao phòng chức năng nghiên cứu xem xét giảm 5% giá vé một số tuyến. Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa - giám đốc bến xe miền Đông, đến nay các doanh nghiệp vận tải ở bến xe miền Đông đã thông báo giảm 5-7% giá vé xe đò ở 10 tuyến xe. Trong đó phần lớn là các tuyến đưa khách đến các điểm du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết... Lý do các doanh nghiệp giảm giá vé vì các xe đò trong bến phải cạnh tranh với các hãng xe rước khách ở khu vực trung tâm TP - thực chất là những xe trá hình hoạt động chở khách hợp đồng du lịch. Ông Thừa cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Sở Tài chính TP.HCM, bến xe sẽ rà soát những hãng xe đã tăng giá vé trong thời gian giá xăng dầu tăng. Trên cơ sở đó sẽ trao đổi với các doanh nghiệp này đề nghị giảm giá vé. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận