Tiết học của học sinh tiểu học TP.HCM. Dù quy định mới có thoáng hơn nhưng giáo viên vẫn không được dạy thêm cho học sinh tiểu học - Ảnh: H.HG.
Ông Hiếu cho biết:
Thực hiện Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26-8-2019 của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT ra văn bản thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm.
Nguyên nhân: theo Luật đầu tư, một số điều khoản trong Thông tư 17 về dạy thêm - học thêm của Bộ GD-ĐT không còn có hiệu lực.
Nhưng như thế không có nghĩa là các cá nhân, tổ chức không được cấp phép dạy thêm nữa.
Nếu như trước đây, các cá nhân, đơn vị muốn mở cơ sở dạy thêm - học thêm thì phải đăng ký với Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở GD-ĐT, thì nay, theo Luật đầu tư, việc dạy thêm ngoài nhà trường không thuộc danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, bây giờ các tổ chức, cá nhân chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch - đầu tư để xin dạy thêm mà thôi, không cần phải xin phép Sở GD-ĐT như trước nữa.
* Như vậy thì quy định xin phép mở cơ sở dạy thêm học thêm dễ dàng hơn trước? Những ai có thể đứng ra mở cơ sở dạy thêm - học thêm?
- Đúng là bây giờ quy định thoáng hơn và dễ dàng hơn. Trước đây, yêu cầu đối với người đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm phải có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm theo quy định. Hiện, quy định này không xét đến nữa.
Ngay cả hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động dạy thêm bây giờ cũng đơn giản hơn trước khá nhiều.
* Nhưng các giáo viên băn khoăn rằng: Sở GD-ĐT ngưng nhận cấp phép dạy thêm tức là giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường nữa mà chỉ được dạy thêm trong nhà trường?
- Việc Sở GD-ĐT ngưng cấp phép thì tôi đã nói ở trên.
Riêng về phía giáo viên thì vẫn được dạy thêm như lâu nay với điều kiện tuân thủ những quy định của ngành GD-ĐT (cụ thể là những quy định chưa hết hiệu lực trong thông tư 17 về dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT).
Có thể kể như: đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh đi học thêm; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; giáo viên trường công lập cũng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
* Thưa ông, nhưng việc cấp phép dạy thêm dễ dàng quá thì cơ quan nào sẽ quản lý chất lượng dạy thêm, học thêm?
- Nếu cơ sở dạy thêm có dấu hiệu vi phạm hoặc khiếu nại - tố cáo thì Thanh tra Sở GD-ĐT sẽ đi thanh tra, kiểm tra.
Dĩ nhiên, trong thời kỳ hiện tại Sở GD-ĐT đề cao vai trò của hiệu trưởng các trường trong việc quản lý giáo viên trường mình. Đặc biệt là không để giáo viên ép học sinh đi học thêm; giáo viên muốn dạy thêm cho học sinh chính khóa phải được sự đồng ý của hiệu trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận