Bà Ngọc trên đường bơi
Đam mê tuổi già
Trong nhà bà Ngọc ở quận Tân Bình, những tấm bằng khen, những chiếc huy chương của các giải thi đấu trong và ngoài nước cất đầy tủ kính.
"Tôi đến với bơi lội vì muốn thực hiện đam mê của mình, không ngờ lại có ngày được đi thi đấu rồi giành huy chương nữa" - bà Tăng Duy Ngọc (thành viên Chi hội bơi người cao tuổi - Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM) cười bẽn lẽn nói.
Chúng tôi gặp bà Ngọc khi bà đang bơi tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình. Sáng nào bà cũng dậy sớm và có mặt ở hồ bơi từ 5h30, bơi đến 8h - 8h30 mới về. Mỗi ngày bà bơi 15-20 vòng, mỗi vòng dài 100m. Tính ra một ngày bà bơi 1.500-2.000m. "Giờ tôi như bị nghiện bơi vậy. Có việc phải đi đâu không bơi mấy ngày là thấy nhớ hồ bơi rồi" - bà Ngọc bảo.
Thật khó để nghĩ tại sao được bơi ở hồ bơi là một ước mơ của bà Ngọc. "Chắc các cô, các cậu bây giờ sẽ cười bảo bơi có gì đâu mà phải ước mơ vì nó bình thường quá mà, có cao siêu như học làm phi công hay bác sĩ, kỹ sư đâu. Nhưng ở thế hệ của tôi ngày trước hồ bơi ít lắm, chưa phổ biến như bây giờ. Phải là người có điều kiện kinh tế khá giả mới được đi học bơi" - bà Ngọc tâm sự.
10 tuổi, thấy người ta bơi mà bà thèm và mong muốn được bơi. Vậy mà ước mơ giản dị ấy không dễ thành hiện thực. Khi chưa lập gia đình thì bà Ngọc lo làm phụ giúp cha mẹ. 18 tuổi, bà Ngọc đi làm công nhân nhà nước. Sáng đi làm đến tối khuya mới về. Tuổi trẻ của bà trôi qua mà không hề có cái hồ bơi.
28 tuổi lập gia đình. 29 tuổi sinh con đầu lòng. 10 năm sau, gần 40 tuổi, bà Ngọc mới sinh con thứ hai (năm 1992).
"Đi làm bận đến mức không rảnh để sinh con luôn mà. Công việc làm theo dây chuyền, mình dừng lại là kéo theo hàng loạt bộ phận khác phải dừng lại" - bà Ngọc chia sẻ.
Bà nói: "Lúc còn trẻ, cuộc sống có nhiều điều phải lo toan, tính toán. Mình không có thời gian rảnh rỗi mà nghĩ đến đam mê của bản thân. Sau này cũng có lúc nhìn lại cứ hỏi tại sao mình không thực hiện được đam mê bơi lội đó dù nó bình dị quá chừng. Ngồi ngẫm thì cũng đúng thôi. 6h sáng vội vàng lo ăn uống cho cả nhà rồi đưa con đi học. Hai vợ chồng phải đưa ba đứa con đi học rồi chạy vội tới chỗ làm. Khi về nhà chỉ đủ thời gian tắm rửa, cho ăn uống, cho ngủ".
Bà Ngọc nói cả tuổi thanh xuân vợ chồng bà làm tích lũy được bao nhiêu không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp. Tất cả đều dành lo cho ba đứa con. Mùa hè bà cho các con học ngoại ngữ. Nhờ thế sau này các con bà đều rất giỏi tiếng Anh. Cậu út Nguyễn Bá Toàn hiện học cao học ngành y ở Mỹ. Cậu con lớn Nguyễn Tuấn Kiệt được học bổng của Pháp và đi du học từ năm 2005. Còn cô con gái nuôi sinh năm 1986 là Nguyễn Thị Thanh Diễm cũng đi du học ở Canada.
“Lúc đó tôi 52 tuổi. 52 tuổi tôi mới có thời gian để làm điều mình thích. 52 tuổi tôi mới bắt đầu học bơi như một đứa con nít.
Bà Tăng Duy Ngọc
Giấy khen của Liên đoàn Thể thao dưới nước tặng bà Tăng Duy Ngọc vì thành tích xuất sắc tại Giải vô địch bơi trung cao tuổi Đông Nam Á lần 1-2019
Học bơi năm 52 tuổi
Thời gian cứ thế vùn vụt trôi qua... Mái tóc màu đen đã lốm đốm sợi bạc. Năm 2006 bà Ngọc nghỉ hưu sớm.
"Tự nhiên nhớ về ước mong hồi nhỏ xíu của mình, tôi giật mình tự hỏi: ủa, hồi đó mình mê bơi sao giờ không thực hiện? Con cái lớn hết rồi" - bà Ngọc nói.
Chẳng thể nấn ná chờ đợi gì nữa, bà đến Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình đăng ký học bơi.
"Lúc đó tôi 52 tuổi. 52 tuổi tôi mới có thời gian để làm điều mình thích. 52 tuổi tôi mới bắt đầu học bơi như một đứa con nít" - bà Ngọc nói.
Lần đầu tiên mặc bộ đồ bơi dù thân hình không thon gọn như các cô gái trẻ, bà Ngọc bảo vẫn không mắc cỡ vì quá hào hứng. Lần đầu tiên được xuống hồ bơi, dù chưa tự bơi được, hai tay vịn thành hồ tập đập tay chân nhưng bà Ngọc phấn khích lắm.
"Cảm giác xuống nước thích lắm luôn. Tôi vui không diễn tả được. Vui vì đã làm được điều mình thích" - bà Ngọc nói.
Điều khá bất ngờ là bà học rất nhanh. Mua vé thời gian học 15 ngày thì chỉ đến ngày thứ tư, bà Ngọc đã biết bơi ếch.
Bà tâm sự: "Lần đầu tiên bơi được tôi vừa xúc động vừa phấn khích. Tôi cứ cười rồi nghĩ: trời ơi, mình làm được rồi, bây giờ đã làm được rồi".
Chỉ học thầy đúng một kiểu bơi ếch, những kiểu còn lại như bơi sải, bơi ngửa... bà không học thầy nữa mà coi sách để tập. Khi đến hồ bơi, bà học hỏi những người học trước.
"Tôi thấy hưng phấn lắm, càng bơi càng thích, ngày nào cũng đi tập hoài" - bà Ngọc nói. Mới học bơi được một năm, một thành viên trong đội bơi rủ bà Ngọc đăng ký thi giải Tanakan tổ chức ở hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM). Bà Ngọc cũng đăng ký cho... biết và bất ngờ đoạt giải ba.
Từ đó đến nay, bà Ngọc đã tham gia nhiều giải dành cho người cao tuổi trên "đường đua xanh" và giành nhiều huy chương vàng, bạc, đồng.
"Tôi động viên những người đồng trang lứa đi học bơi, tôi dạy miễn phí cho. Nhưng người ta không tự tin, nghĩ rằng hồi trẻ mình không làm được, giờ già rồi sao làm được. Mình làm được rồi thì thấy tự tin lắm. Hồi tôi đi Vĩnh Hi chơi, người ta phải leo lên thuyền để đi từ nhà hàng sang bãi tắm, tôi thì nhảy xuống bơi một hơi 500m đến bãi tắm luôn" - bà Ngọc kể.
“Kình ngư” Tăng Duy Ngọc và ba huy chương tại Giải vô địch bơi trung cao tuổi Đông Nam Á 2019 tổ chức ở Indonesia tháng 3-2019
Hãy thực hiện đam mê khi còn trẻ
Ngẫm lại cuộc đời mình, bà Ngọc trải lòng: "Đến tuổi không còn trẻ nữa tôi mới được tận hưởng niềm vui được sống với đam mê của mình. Tôi nói với các con: có ước mơ, dự định gì cứ thực hiện hết đi, đừng để về già mới bắt đầu như mẹ.
Khi chưa có gia đình, muốn làm gì thì hãy làm luôn, đam mê gì cứ thực hiện. Có gia đình rồi bị chi phối nhiều thứ lắm, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chồng con, không nghĩ cho mình.
Được làm điều mình thích vui lắm, sướng lắm. Đời người dài mà cũng ngắn. Đừng để thời gian trôi qua cho đến khi mình nằm xuống mà ước mơ của bản thân vẫn dở dang, đam mê vẫn không thực hiện được...".
Kỳ tới: Cụ sinh viên 86 tuổi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận