Hiện nay mỗi ngày có hơn 90.000 hành khách đi máy bay trong nước qua nhà ga T1 sân bay Nội Bài - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay qua phản ánh của các phương tiện truyền thông và người dân cho thấy hoạt động tại một số sân bay đang quá tải, tình trạng chậm, hủy chuyến có xu hướng tăng cao, sản lượng vận chuyển vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách, đặc biệt tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Điều đó gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách, giao thông tiếp cận nhà ga ùn tắc, gây bức xúc cho hành khách cũng như dư luận xã hội….
Để khắc phục các tình trạng nêu trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
Cục Hàng không thực hiện công tác điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm. Tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng để đưa ra giải pháp xử lý; công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực và thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, chất lượng phục vụ hành khách trong dịp hè năm 2022.
Khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022 tại các sân bay; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm…
Các doanh nghiệp khai thác sân bay có nhiệm vụ rà soát, xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các sân bay, đáp ứng được nhu cầu khi hành khách tăng.
Tổ chức phân luồng giao thông tiếp cận nhà ga một cách khoa học, hợp lý để tránh tình trạng ùn ứ; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại sân bay, có phương án giải tỏa khi xảy ra ùn tắc…
Các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định pháp luật; tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm. Thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan; thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến nghĩa vụ của hãng khi chậm, hủy chuyến.
Trong những ngày gần đây, mỗi ngày có gần 2.300 chuyến bay cất, hạ cánh tại các sân bay Việt Nam, trong đó có gần 2.000 chuyến bay nội địa. Trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 110.000 hành khách, Nội Bài phục vụ hơn 90.000 hành khách.
Tỉ lệ chuyến bay bị hủy trong tháng 6-2022 cũng tăng lên, số chuyến bay chậm giờ chiếm 18,2% tổng số chuyến bay trong tháng với 5.602 chuyến, tăng 9,4% so với tháng 5-2022.
Ngoài các nguyên nhân được thống kê, Cục Hàng không cho biết có cả lý do nhiều nhân viên hàng không bỏ việc trong thời gian dịch COVID-19 không quay lại làm việc, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.
Lực lượng phi công, tiếp viên còn đủ phục vụ bay nhưng thiếu hụt nhân viên phục vụ mặt đất, kỹ thuật, nhân viên phục vụ trong nhà ga dù các doanh nghiệp tuyển dụng liên tục.
Các doanh nghiệp hàng không đã phải điều nhân viên từ các sân bay miền Bắc vào hỗ trợ sân bay ở miền Nam. Có hãng điều nhân viên văn phòng lên sân bay để hỗ trợ hành khách.
Lúc 1h25 ngày 1-7, sân bay Tân Sơn Nhất đã triển khai lực lượng an ninh cơ động để phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ an ninh cho Hãng hàng không VietJet khi hành khách bức xúc do chuyến bay VJ649 từ TP.HCM đi Đà Nẵng dự kiến khởi hành lúc 21h45 ngày 30-6 nhưng bị trễ nhiều lần.
Trước đó lúc 0h15 ngày 1-7, hành khách lên máy bay lại được thông báo chuyến bay chưa thực hiện được do chờ bơm nhiên liệu, khiến hành khách bức xúc và khoảng 30 người tràn xuống sân đậu.
An ninh hàng không có mặt hỗ trợ hãng giải thích với hành khách, sau đó hành khách lên máy bay để chuyến bay khởi hành, còn lại 12 hành khách không đồng ý đi chuyến bay được hãng đưa trở lại nhà ga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận