Phóng to |
Những con heo được nuôi bằng thuốc tăng trọng tại một trại heo ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Khương Văn |
Ông Tài, chủ trại heo ở xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn, TP.HCM), người đã xuất chuồng gần chục lứa heo có sử dụng thuốc tăng trọng, cho biết: “Tui thường gửi người quen dưới Đồng Nai tìm mua hoocmôn tăng trọng cho heo có giá 700.000-1.200.000 đồng/kg, tùy loại. Hàng cấm mà, tuy giá cao nhưng heo sẽ lớn nhanh như thổi”. Ông Tài dặn: “Nếu đi mua thuốc tăng trọng cho heo mà không quen biết trước sẽ không thể mua được do chủ các cửa hàng bán loại thuốc này phải chọn khách mối mới bán vì sợ bị bắt, xử phạt”.
Nhộn nhịp mua bán
Sau một thời gian tạm lắng, giới chăn nuôi heo bắt đầu sử dụng trở lại loại “thần dược” (còn gọi là hoocmôn) “tạo nạc”, “siêu tăng trọng” cho heo. Chiều 17-4, chủ một cửa hàng thuốc thú y, thức ăn gia súc trên đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn) khi biết khách hàng do một mối quen giới thiệu, đem ra một túi bột màu trắng không nhãn mác ra giá: “Loại thuốc này giúp heo lớn nhanh, bung đùi, nở vai, giá 500.000 đồng/kg”.
Theo ông chủ này, cửa hàng của ông chỉ bán loại có trọng lượng thấp nhất là 1kg/gói và loại này được nhiều chủ trại heo chọn mua để thúc heo tăng trọng nhanh. Thuốc của ông là hàng “chuẩn” có các đầu mối đưa từ Trung Quốc về, chỉ cung cấp cho các mối thân thiết, vì nếu bị lộ thì cơ quan thú y đến kiểm tra xử phạt ngay.
Ông Lê Bá Lịch (chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN): Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ký quyết định số 54/2002/QĐ-BNN cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có clenbuterol, salbutamol. Các chất trên có tác dụng thúc cho heo lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn và thương lái mua heo với giá cao hơn bình thường. Điều đáng báo động là người ăn phải thịt heo trên sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên thực tế, các chất cấm trên vẫn đang được lén lút mua bán, sử dụng và người mua thịt heo không thể phát hiện các chất trên bằng mắt thường. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng các chất nằm trong danh mục cấm mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã quy định. Để dẹp bỏ tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn, có biện pháp xử lý nghiêm và mạnh hơn để bảo đảm thịt heo nhiễm chất clenbuterol, salbutamol không được đưa ra thị trường. |
Loại thuốc cấm đáp ứng nhu cầu tăng trọng nhanh cho heo đang được giới chăn nuôi tìm mua nhiều nhất là salbutamol, clenbuterol... Tại cửa hàng trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), khi chúng tôi vừa nhắc đến các loại thuốc trên thì ông chủ cửa hàng từ chối ngay: “Tụi tui không có bán loại thuốc đó vì bây giờ họ cấm bán và cấm sử dụng rồi”.
Tuy nhiên, khi biết khách được một chủ trại nuôi heo giới thiệu thì ông không chần chừ mở tủ lấy ra ba gói loại 1kg/gói dạng bột màu trắng. Ông giải thích: “Loại này là tốt nhất rồi, ăn vào nhanh lớn nhất, giúp heo nở vai siêu nạc, muốn mua bao nhiêu cũng có nhưng phải đặt tiền cọc. Chiều tối nay hoặc sáng mai quay lại vì hôm nay tui đã bán gần hết chỉ còn 3kg. Loại cao nhất là 500.000 đồng/kg và loại thấp nhất 250.000 đồng/kg”.
Tại các khu vực vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi... có trên 20 tiệm thuốc thú y chuyên cung cấp loại thuốc siêu tăng trọng.
Riêng tại khu vực các tỉnh lân cận TP.HCM như Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa, Trảng Bom (Đồng Nai)... cũng có gần 30 cửa hàng cung cấp các loại “thần dược” này. Một số cửa hàng không có sẵn thuốc cấm nhưng vẫn sẵn sàng “chẻ hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại thuốc này đều được sản xuất từ Trung Quốc, không mùi vị và không màu. Tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... có hơn 10 đường dây, đầu nậu quy mô lớn do các “trùm” như Dũng “nạc”, Đức “heo”, T.H... làm chủ, có hệ thống chân rết lấy hàng từ các tỉnh biên giới phía Bắc đóng hàng theo các chuyến xe tải về các tỉnh phía Nam và bỏ sỉ cho các cửa hàng bán thuốc thú y là “đại lý”.
Các cửa hàng sau khi nhận hàng sẽ pha chế lại và bán cho các trại chăn nuôi. Sau đó, các trại nuôi lại có một phương pháp pha chế với liều lượng khác nhau.
Thoải mái xuất chuồng
Ông Phan, ngụ xã Xuân Thới Đông, một chủ trại heo thường sử dụng các loại “thần dược”, cho biết: “Heo nuôi bình thường phải mất hơn bốn tháng mới xuất chuồng (tầm 100kg), nhưng khi cho ăn thuốc thì thời gian xuất chuồng được rút ngắn chỉ còn ba đến ba tháng rưỡi”.
Theo ông Phan, giá heo hơi hiện là 56.000 đồng/kg với heo nuôi bình thường, nhưng với heo dùng thuốc tăng trọng có nhỉnh hơn, giá khoảng 58.000-60.000 đồng/kg. “Mỗi con heo ăn thuốc bao giờ cũng được các lái mua hơn giá heo thường 200.000-300.000 đồng/con” - ông Phan nói.
Bà Huyền, chủ trại heo, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, khẳng định do heo của bà nuôi có dùng các loại “thần dược” nên lớn rất nhanh dù chỉ cần cho heo ăn thuốc trước khi xuất chuồng khoảng 20 ngày. Thời điểm này cho heo dùng “thần dược” sẽ giúp tích nước và tạo nạc, lớn nhanh, bảo đảm lãi cao. “Mỗi lứa tui nuôi gần 100 con, cứ cho ăn thuốc đến trọng lượng hơn 1 tạ/con thì xuất chuồng” - bà nói.
Theo bà Huyền, việc heo được vỗ béo bằng thuốc sẽ cho nhiều nạc và bán được giá hơn cách nuôi thông thường và các lái buôn nhìn đàn heo đã ăn thuốc sẽ thích hơn vì luôn cho thịt đỏ nạc và mông nở. “Lứa heo nhỏ thì cho ăn thuốc theo liều lượng pha trộn ít hơn heo lớn. Heo ăn thuốc sẽ có nước da bóng mượt, nhìn rất bắt mắt, nhưng nếu dùng quá liều lượng sẽ tự gãy xương” - bà chia sẻ kinh nghiệm.
Chủ các trại nuôi đều có bí quyết riêng pha chế “thần dược” cho đàn heo nuôi của mình. “Tụi tui pha chế theo tỉ lệ là cứ 10 con heo 70-80kg/1 muỗng cà phê thuốc. Tui sử dụng loại nguyên liệu thuốc chưa pha trộn có giá từ 20-25 triệu đồng/kg. Loại này khó mua vì mình phải có các đường dây lớn cung cấp. Chứ giá các loại thuốc đã pha trộn bán ngoài thị trường chỉ dao động 500.000-1.200.000 đồng/kg” - ông Chánh, chủ trại heo, ngụ ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom, Đồng Nai), tiết lộ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM):
Salbutamol, clenbuterol là hai hóa chất hoàn toàn được tổng hợp có tác dụng giãn phế quản, do đó được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Từ khi phát hiện các thuốc này có tác dụng làm tăng cân và ảnh hưởng đến sức khỏe, những “thần dược” trên đã bị cấm dùng trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đây là thuốc chữa bệnh, phải dùng rất thận trọng, trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm không chỉ gây hại cho vật nuôi mà ảnh hưởng nguy hiểm cho người nếu ăn phải vật nuôi đó. Các chất clenbuterol, salbutamol có thể giúp heo nuôi mau lớn, tăng khối lượng cơ (gọi là “siêu nạc”, tức có nhiều thịt nạc hơn so với bình thường) nhưng tác hại gây ra khó lường hết được. Người dùng thịt heo nuôi bằng thuốc tăng trọng sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc rất cao. Ngộ độc clenbuterol, salbutamol ở người sẽ làm nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, gây nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Ngoài các loại “thần dược” trên, cũng cần báo động về việc trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm những chất khác như kháng sinh, hoocmôn, hoàn toàn không vì lý do trị bệnh mà chỉ vì mục đích thúc cho chúng mau lớn, tăng trọng. “Đề kháng kháng sinh” (tức là kháng sinh dùng bừa bãi gây hiện tượng kháng sinh mất tác dụng diệt vi khuẩn), một vấn nạn của toàn thế giới hiện nay, xuất phát phần lớn cũng từ việc sử dụng bừa bãi kháng sinh trong chăn nuôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận