30/11/2013 08:53 GMT+7

Thúc ép các địa phương cải cách

C.V.KÌNH thực hiện
C.V.KÌNH thực hiện

TT - Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của các địa phương năm 2013 vừa được công bố. Đây được xem là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnhhội nhập. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Cẩm Tú, tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, nói:

cC8OsTRk.jpgPhóng to
Các địa phương đang nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn. Trong ảnh: người tiêu dùng chọn mua hàng tại Tháng khuyến mãi tháng 9-2013, do TP.HCM tổ chức - Ảnh: Thanh Đạm

- Trong bối cảnh VN chuẩn bị tổng kết 30 năm mở cửa, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương rất cần có sự đánh giá thường xuyên về năng lực HNKTQT để kịp thời có điều chỉnh phù hợp. Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế của các địa phương (PEII) lần 1 được công bố và đánh giá 50 tỉnh thành vào năm 2011, năm nay chúng tôi đánh giá được cả 63 tỉnh thành. Báo cáo này sẽ giúp đưa ra những gợi ý để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập với đặc thù từng địa phương.

* PEII được hình thành như thế nào? Vì sao mục tiêu chính của Báo cáo năng lực HNKTQT cấp địa phương không phải là thứ tự xếp hạng?

- Mục tiêu chính của PEII là nhằm xác định được mức độ HNKTQT của mỗi địa phương trong tổng thể nền kinh tế. Với việc điều tra ý kiến của người dân, doanh nghiệp, báo cáo xem xét cả những tác động của hội nhập đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo cũng cho thấy sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại, từ đó có thể rút ra kinh nghiệm và các điều chỉnh cần thiết.

Từ các thông số và phân tích khoa học, báo cáo mong muốn sẽ hỗ trợ các địa phương xem xét, quyết định chọn những nhân tố nào phù hợp, cần điều chỉnh trụ cột nào để tiến lên, giúp địa phương hội nhập và phát triển hơn nữa chứ không phải để ganh đua về thứ hạng với tỉnh, thành khác.

* Liệu những địa phương có hạ tầng tốt như Hà Nội, TP.HCM sẽ chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, trong khi nhiều tỉnh vùng sâu lại khó “lên” được?

- Trong tám nhóm trụ cột để tính toán chỉ số PEII, mỗi trụ cột gồm một số tiêu chí nhất định, tổng hợp có rất nhiều tiêu chí để đánh giá như: xuất nhập khẩu địa phương, tính hấp dẫn thương mại địa phương, tình hình đầu tư nước ngoài, hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, doanh thu du lịch, mức độ nhận biết du lịch địa phương... Về hạ tầng, PEII không chỉ đánh giá hệ thống đường bộ, đường thủy mà đánh giá chất lượng giao thông ảnh hưởng đến đời sống người dân như thế nào. Nên nhiều TP hạ tầng tốt hơn nhưng kẹt xe, tắc đường cũng chưa hẳn có thứ hạng cao.

Để tránh tình trạng quá chú trọng vào việc so sánh thứ hạng, nhóm nghiên cứu chỉ ra một số mặt mạnh của các địa phương mà theo đó họ vượt trội hơn thay vì điểm tích lũy cuối cùng thấp. Hoặc các địa phương có thứ hạng cao trong trụ cột, nhưng ở một điểm nào đó trong trụ cột lại có điểm thấp... Ví dụ TP.HCM đứng đầu danh sách PEII nhưng các chỉ số khác như hạ tầng lại xếp thứ 5, văn hóa đứng thứ 34. Về thương mại thì An Giang, Kiên Giang lại đứng vị trí thứ 4, thứ 5, trên cả Hải Phòng dù Hải Phòng có cảng quốc tế... vì An Giang đã tập trung nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản. Các yếu tố để đánh giá như đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh thu nhà hàng khách sạn... chỉ là một số trong những thành tố được đánh giá. Vì vậy, những địa phương không có lợi thế về đầu tư trực tiếp nước ngoài hay hạ tầng vẫn có thể được đánh giá đúng dựa trên những cố gắng và nỗ lực trong hội nhập.

* Giữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI và PEII có gì khác nhau không, thưa ông?

- Chỉ số PCI chủ yếu điều tra, khảo sát khu vực doanh nghiệp kinh tế tư nhân, đánh giá thực trạng quản lý và phát triển kinh tế tư nhân của chính quyền địa phương. Còn chỉ số PEII dựa trên báo cáo từ địa phương, từ thống kê các cơ quan nhà nước như Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan... rồi đánh giá quan hệ giữa thực trạng địa phương với việc thu hút nguồn lực cho phát triển, sự dịch chuyển lao động, nhân dụng, thu hút du khách, thương mại hàng hóa và dịch vụ...

Chưa trao chứng nhận cho tỉnh thứ hạng cao

Với câu hỏi liệu ban tổ chức có trao chứng nhận cho các tỉnh đạt thứ hạng cao để ghi nhận, cũng như tạo sức ép để họ tiếp tục cải thiện hay không, ông Nguyễn Thành Trung (trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện chỉ số PEII) cho rằng điều này chưa cần thiết. “Cái cần thiết trong kế hoạch sắp tới là chúng tôi sẽ cung cấp cho mỗi địa phương một báo cáo riêng đánh giá năng lực hội nhập của từng địa phương trên cơ sở mô hình PEII, đánh giá sự tương tác của các trụ cột để địa phương có đủ luận cứ tham khảo cho các quyết định xây dựng và thực hiện chiến lược” - ông Trung nói.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, báo cáo của PEII cho thấy dẫn đầu là TP.HCM, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng...Nhóm địa phương cuối bảng, thấp nhất là Sóc Trăng, kế đến là Hậu Giang, Bạc Liêu... So với lần đầu tiên công bố, một số địa phương tụt hạng như Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG (phó chủ tịch UBND TP.HCM):

Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Việc TP.HCM dẫn đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cho thấy những cải cách, nỗ lực cách làm của TP trong thời gian qua đã được ghi nhận, nhóm thực hiện đã đánh giá cao vai trò của TP trong vấn đề hội nhập quốc tế.

Trong tám tiêu chí mà báo cáo đưa ra, ở mỗi lĩnh vực TP.HCM đã rất năng động trong việc kết nối với khu vực như trong lĩnh vực du lịch, số lượng du khách đến TP thường chiếm 50-60% của cả nước, hằng năm TP đều có hội chợ quốc tế thu hút hàng ngàn khách quốc tế mua hàng, không ngừng đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch mới, nâng cao dịch vụ du lịch, hạ tầng... Chương trình không dừng lại kết nối trong nước mà còn mở rộng ra các nước ASEAN. Về thương mại, các hoạt động xúc tiến đem hàng hóa VN đến các nước, hàng hóa các nước vào VN được tổ chức đều đặn... Hiện nay trong quá trình phát triển, TP vẫn còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục tiếp thu chỉnh sửa để hoàn thiện môi trường đầu tư. Điều quan trọng nhất sau kết quả này là TP.HCM nhận thấy có trách nhiệm để tiếp tục nâng cao hoạt động, đưa ra nhiều giải pháp tập trung nâng cao cuộc sống của người dân.

C.V.KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp