15/03/2024 09:31 GMT+7

Thúc đưa vốn vào nền kinh tế

Với trên 13,6 triệu tỉ đồng tiền gửi đang ứ đọng tại các ngân hàng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khơi thông vốn cho nền kinh tế là yêu cầu cấp bách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: TTXVN

Ngày 14-3, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra định hướng cho chỉ đạo điều hành, đó là: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

Trong đó, yêu cầu phải tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm lãi suất cho vay; tăng công khai, minh bạch về lãi suất cho vay và chống tín dụng đen...

"Vay với lãi suất thấp được ít lắm"

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đặt vấn đề với ngành ngân hàng là cần có các giải pháp gì để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? 

Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ... Các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao? 

Làm thế nào tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?...

Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - khẳng định những chỉ đạo liên quan đến chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp cho thấy tâm huyết của Thủ tướng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Thân, dù Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo phải tăng công khai minh bạch về lãi suất huy động, cho vay, giảm tiêu cực, lợi ích nhóm... nhưng việc thực hiện bên dưới vẫn còn nhiều vướng mắc, thậm chí còn tình trạng có nơi có lúc nhũng nhiễu, nhiêu khê nên nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được tín dụng với gói lãi suất thấp.

Theo ông Thân, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy không có tài sản đảm bảo, lại có đơn hàng tốt. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay gặp rất nhiều khó khăn do có những rào cản như tài sản đảm bảo. 

Ngân hàng cho biết lãi suất cho vay bình quân là 6,4%, nhưng thực tế nhiều khoản vay vẫn từ 10-12%, đặc biệt là khoản vay cũ vẫn không giảm, khó vay vốn.

"Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy các gói vay với lãi suất 6,4% được ít lắm. Thậm chí, doanh nghiệp nhỏ và vừa có tài sản thế chấp nhưng vẫn khó vay, trong khi ngành ngân hàng bị ứ đọng 14 triệu tỉ là rất đáng tiếc. 

Ngân hàng không thể hạ quy chuẩn nhưng phải có giải pháp như có chính sách tài khóa để hỗ trợ, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, có sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch" - ông Thân bày tỏ.

Cùng chung nỗi niềm, ông Lê Tiến Trường - chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - bày tỏ sốt ruột khi lãi suất vay hiện vẫn ở mức 7-9%, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam chỉ ở mức 3,5%. 

Dẫn tới tại Vinatex, lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%, tức là giá vốn đắt hơn.

Đáng nói hơn, ngành sợi hiện đang trong tình cảnh thua lỗ, ngân hàng lại thông báo cắt giảm hạn mức cho vay hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn. Ông Trường lo ngại thực tế này dẫn tới nguy cơ "mất đi ngành sợi", nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, Chính phủ.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành

Cũng tại hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết đến ngày 29-2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023, song tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). 

Một trong những lý do là một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi

Ông Phạm Đức Ấn - chủ tịch HĐTV Agribank - cũng thừa nhận ngoài sức cầu yếu, người dân thắt chặt chi tiêu, tín dụng tăng trưởng chậm còn do thủ tục cho vay thiếu cởi mở hoặc yêu cầu chặt chẽ về tài sản đảm bảo. 

Tuy nhiên, theo ông Ấn, các ngân hàng thương mại cạnh tranh, giảm lãi suất với các khoản vay mới nên có khả năng doanh nghiệp dịch chuyển vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, đảo nợ cũ thành nợ mới.

Các vướng mắc pháp lý liên quan tới bất động sản, thủ tục đầu tư xây dựng... cũng khiến tăng trưởng tín dụng giảm.

Do đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nếu chỉ có sự nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng. 

Gắn với đó là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng...

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch HĐQT HDBank, cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với xem xét chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để "khoan sức dân", tăng khả năng tiêu dùng. 

Đặc biệt, cần quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy phép dự án thuộc các lĩnh vực bất động sản, sản xuất kinh doanh; sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững...

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cũng kiến nghị cần tập trung tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay với dự án bất động sản là vấn đề pháp lý. "Việc tháo gỡ này sẽ giúp cho các dự án tiếp cận tín dụng tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản", ông Châu khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá. Có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Ưu tiên nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen...

Các ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Trong đó, phải cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp; rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu.

Triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân.

Ông Nguyễn Phước Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.

Đặc biệt, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng...

Khảo sát của hiệp hội cho thấy có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Do đó, các ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai... Chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên hai lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.

Nhà ở xã hội cho công nhân ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhà ở xã hội cho công nhân ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Cần khôi phục gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8-5%/năm

Các cơ quan thẩm quyền cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản (BĐS) để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng, đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng BĐS.

Trong đó, trọng tâm là tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho người mua nhà ở thương mại giá từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) và người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng là "giải pháp phi tín dụng" hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Do đó các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện khoảng 25 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các luật vừa thông qua.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các địa phương để xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để tái khởi động dự án "trùm mền" đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng.

Đặc biệt, theo tôi, cần khôi phục đề xuất "gói tín dụng 110.000 tỉ đồng" cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng phải nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực của thị trường là loại nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, phấn đấu đưa ra giá bán nhà ở hợp lý.

Ông Bùi Quang Anh Vũ (tổng giám đốc Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt):

Cần gỡ khó pháp lý cho doanh nghiệp địa ốc

Để tín dụng trở lại tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng Chính phủ và các ngân hàng cần tiếp tục có chính sách về gói tín dụng ưu đãi và hỗ trợ rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay.

Đặc biệt, cần giảm tiếp tục lãi suất cho vay gắn liền với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc về pháp lý dẫn đến cả chủ đầu tư không phát triển được dự án, không vay được ngân hàng trong khi người mua lại thiếu nhà.

Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS, để các dự án có đủ điều kiện được giao dịch ra thị trường.

Đặc biệt, Chính phủ cần thành lập tổ công tác xử lý liên bộ ngành nhằm hỗ trợ hơn nữa các địa phương tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp một cách kịp thời.

Thủ tướng: Làm rõ vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận vốn dù tiền gửi vào ngân hàng tăng?Thủ tướng: Làm rõ vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận vốn dù tiền gửi vào ngân hàng tăng?

Vướng mắc trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay dù tiền gửi vào ngân hàng tăng, lãi suất đã giảm... là những vấn đề được đặt ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp