Sau khi hình ảnh phá rừng được lâm tặc “tự sướng” đưa lên Facebook (ảnh lớn), chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh - một cán bộ được đánh giá xông xáo ở Gia Lai - đã lùng sục tiếp cận khu vực này và khẳng định việc phá rừng có sự làm ngơ của kiểm lâm. Từ đây ông Chánh đã xử lý bằng cách điều chuyển công tác giám đốc ban quản lý rừng và hạt trưởng hạt kiểm lâm |
“Tôi nói thẳng là đã làm việc là đàng hoàng, không có chuyện làm thế nào cũng xong. Đấy, chính mấy ông thanh tra giao thông cũng nói với nhau trong cuộc họp kỷ luật cán bộ hôm 22-2. Mấy ổng nói là giờ khác rồi, cán bộ làm công ăn lương thì phải phục vụ dân, ai làm được thì làm, không làm được thì lột đồ về nghỉ. Dứt khoát là phải thế |
Giám đốc Sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế |
Việc giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai đình chỉ sở đang được cả Bộ Giao thông vận tải lẫn dư luận hoan nghênh.
Động thái thúc đẩy cán bộ cấp dưới phải thực thi công vụ một cách có trách nhiệm đang diễn ra ở một số nơi, có tác dụng thiết thực làm chuyển biến bộ máy công quyền vốn bị coi là trì trệ kéo dài.
Ở Gia Lai không chỉ có chuyện giám đốc Sở Giao thông vận tải đình chỉ công tác chánh thanh tra sở do có dấu hiệu buông lỏng kiểm tra xe quá tải, ở đây còn có một số lãnh đạo huyện cũng tiến hành những cuộc “vi hành”, qua đó thẳng tay “trảm” các cán bộ cấp dưới lơ là với nhiệm vụ được giao.
“Tôi là chủ tịch huyện, trách nhiệm của tôi là giám sát, đốc thúc, kiểm tra, chỉ đạo. Nếu người đứng đầu không sâu sát, chỉ tập trung vào giấy tờ thôi thì công việc không chạy được. Riêng tôi là chủ tịch huyện, tôi đi thực tế kiểm tra không nhằm mục đích để cho ai sợ, tôi cũng không cần phải ai sợ cả, chỉ muốn người ta chấp hành đúng quy định, quy trình công tác |
Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Dương Mah Tiệp |
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh |
Khi chủ tịch huyện “vi hành”...
Ông Dương Mah Tiệp - chủ tịch UBND huyện Ia Grai - cho biết cuối năm 2015 ông chọn một vài cán bộ thân cận rồi lên một chiếc xe biển trắng hướng về xã Ia O, các xã giáp biên giới để bí mật kiểm tra tình trạng chặt phá, vận chuyển gỗ lậu.
Đêm 23-12-2015, khi đi trên đường, ông Tiệp nhận thấy những xe chở gỗ vẫn trôi qua các trạm kiểm soát liên ngành.
Ông Tiệp liền yêu cầu tài xế cho xe đảo đi đảo lại bốn năm vòng từ biên giới về trung tâm huyện nhưng tuyệt nhiên không thấy có dấu hiệu phản ứng nào từ lực lượng kiểm lâm, công an, quản lý thị trường tại các chốt liên ngành đóng trên đường.
“2g sáng. Tôi quyết định dừng xe lại trước trạm kiểm soát liên ngành của huyện, gần với biên giới. Tôi cho cán bộ cấp dưới mở cửa xuống xe vào chốt trước để coi cán bộ chốt phản ứng thế nào.
Thấy cán bộ ghé vào thăm, cả công an, kiểm lâm, quản lý thị trường vẫn mặc quần đùi nằm trên võng, vẻ mệt mỏi và ngái ngủ nhìn ra hỏi: “Ơ, lãnh đạo đi đâu mà khuya thế?”.
Cán bộ của tôi trả lời là đêm khó ngủ, sắp tới có lãnh đạo từ trung ương vào nên chạy xe đi khảo sát tình hình xem sao.
Thấy cán bộ của trạm vẫn thờ ơ với nhiệm vụ, tôi bực quá mở cửa xe rồi bước thẳng vào trạm. Nhận ra tôi, cả tổ mới vội vàng choàng dậy, xốc lại quần áo, bộ dạng lóng ngóng” - ông Tiệp kể.
Ông Tiệp cho biết hôm sau, trong cuộc họp của ban thường vụ Huyện ủy Ia Grai, vấn đề thực thi công vụ, trách nhiệm được đặt ra.
“Tôi cho kỷ luật hết, hai kiểm lâm thì cảnh cáo, công an thì chuyển công tác, khiển trách quản lý thị trường, kỷ luật điều chuyển công tác hạt trưởng hạt kiểm lâm. Giờ thì xong cả rồi” - ông Tiệp nói.
Cũng tại Gia Lai, ở huyện Krông Pa, nhiều người dân phản ảnh chuyện rừng ở khắp các xã, đặc biệt là trong lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, bị phá tan tành.
Tiếp nhận thông tin, UBND huyện Krông Pa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm bắt tình hình cụ thể. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh trực tiếp dẫn đầu đoàn lội vào rừng sâu và ghi nhận những hình ảnh phá rừng.
Ngay sau đó, UBND huyện tiến hành truy quét nhưng tình hình vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Cuối năm 2015, một vụ vận chuyển gỗ lậu có liên quan đến giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai Nguyễn Đình Sơn bị phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu báo cáo, thành lập đoàn để kiểm tra nhưng hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng chỉ lội rừng lớt phớt rồi về báo cáo là phá rừng “chỉ xảy ra ở một vài tiểu khu”.
Bản báo cáo này sau đó được xác định là thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực trạng.
Bằng thực tế đã lội rừng và kiểm tra, chủ tịch UBND huyện Krông Pa ký văn bản khẳng định: “Việc phá rừng đang diễn ra ngang nhiên, cuối buổi chiều có thể dễ dàng nhận thấy cảnh chở lâm sản rầm rộ, lực lượng chức năng hầu như không xuất hiện hoặc nếu có thì cũng cố tình làm ngơ cho lâm tặc”.
Liên quan đến việc này, cả hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Pa và giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai đã bị kiểm điểm, thôi giữ chức vụ.
Câu chuyện giám đốc Sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế trực tiếp ghi hình xe quá tải để xử lý cán bộ nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ, người dân ở Gia Lai. Trong ảnh: Người dân TP Pleiku theo dõi thông tin về giám đốc Sở GTVT Gia Lai trên số báo Tuổi Trẻ ngày 23-2 - Ảnh: B.D. |
Kiên quyết với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Quốc Tuấn - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa - cho biết giám đốc sở này vừa ký quyết định tạm đình chỉ điều hành công tác đối với ông Trịnh Ngọc Minh - chánh thanh tra sở.
Nội dung quyết định nêu rõ: tạm đình chỉ điều hành công tác đối với ông Trịnh Ngọc Minh với lý do chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành công việc của thanh tra sở. Thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông Minh là 15 ngày, kể từ ngày 18-2.
Tại quyết định, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu ông Trịnh Ngọc Minh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong điều hành công việc của chánh thanh tra và các cá nhân liên quan đến hoạt động tại trạm thanh tra giao thông Đồng Tâm (đóng trên quốc lộ 217, đoạn qua địa bàn huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa), báo cáo giám đốc sở trước ngày 25-2.
Ông Trịnh Ngọc Minh còn phải đề xuất giải pháp nâng cao công tác kiểm tra, giám sát trên cương vị chánh thanh tra giao thông đối với hoạt động của trạm thanh tra Đồng Tâm.
Trước đó, ngày 17-2, trong chuyến đi công tác trên tuyến quốc lộ 217 đoạn qua xã Thiết Ống (huyện Bá Thước), ông Mai Xuân Liêm - giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa - phát hiện một xe tải có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép.
Ông Liêm liền vào trạm kiểm tra tải trọng của lực lượng thanh tra Sở GTVT đóng tại Đồng Tâm (Bá Thước), yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra chiếc xe tải này. Cân tải trọng chiếc xe cho thấy quá tải trọng cho phép hơn 13 tấn.
Tại trạm thanh tra giao thông Đồng Tâm, chiều 17-2, ông Mai Xuân Liêm lập tức ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý các cán bộ có liên quan.
Khắc phục trong vài ngày chuyện dân kêu nhiều năm
Đó là câu chuyện của hai tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thái Bình (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM). Đây là tuyến đường có văn phòng của hai hãng vận tải hành khách Toàn Thắng và Hoa Mai, ngoài ra còn có văn phòng của hai công ty lữ hành khác.
Tuy chỉ là văn phòng nhưng các hãng xe, công ty thường xem đây là bến đón và trả khách ở khu vực trung tâm TP. Các xe khách từ 24-50 chỗ đậu lấn chiếm lòng đường, lượng khách đến và đi rất đông, gây mất trật tự, bát nháo trên hai tuyến đường này.
Theo phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP, việc này xảy ra nhiều năm qua nhưng chưa được chấn chỉnh.
Ngày 17-2 vừa qua, từ một được Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chuyển tiếp, các cơ quan chức năng liền thiết lập biển báo cấm đậu ôtô trên 9 chỗ ngồi.
Nghĩa là cấm vĩnh viễn các hãng vận tải và lữ hành đón trả khách trên tuyến đường này, tình trạng mất trật tự trên hai đường này được khắc phục chỉ trong vài ngày.
Theo ông Nguyễn Trung Thông - nguyên phó Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM, chuyện đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình và nhiều tuyến đường khác ở trung tâm TP trở thành nơi đón trả khách của các hãng vận tải, lữ hành xảy ra từ lâu.
Sở Giao thông vận tải không phải không có năng lực để dẹp những chỗ này, bằng chứng là sau khi được chỉ đạo thì sự việc được giải quyết rất nhanh. “Theo tôi, những chuyện thế này không phải chờ đến khi cấp trên chỉ đạo” - ông Thông nói.
Chuyện người dân H.Củ Chi phải bán bò vì không bán được sữa cũng diễn ra từ lâu, việc này vừa được các bên ngồi lại để tính hướng ra một cách nhanh chóng nhờ Bí thư Thành ủy quan tâm, đốc thúc.
Bình luận về việc này, ông Nguyễn Trung Thông khẳng định trách nhiệm của các sở ngành, lãnh đạo địa phương là phải làm cầu nối, tạo điều kiện để người nông dân gắn với nơi thu mua sản phẩm. Nếu khó quá, xử lý không được thì phải chủ động báo cáo với cấp trên.
Giả sử các công chức, cán bộ cấp dưới mà làm hết trách nhiệm thì không đến nỗi cấp trên phải ra tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận