Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp kín tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 chiều 18-11 tại Phnom Penh (Campuchia)- Ảnh: TRUNG NGHĨA |
Trong tuyên bố khai mạc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh các thành viên ASEAN tiếp tục làm việc với nhau dựa trên ba trụ cột chính là cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa xã hội nhằm tiến tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Thúc đẩy thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015
Nhận định khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN vẫn còn rất lớn, ông Hun Sen kêu gọi lãnh đạo các nước “phải nỗ lực gấp đôi để đẩy nhanh tăng trưởng hơn và cải thiện sự phân phối kết quả tăng trưởng đó đồng đều hơn giữa các quốc gia thành viên”, nhất là trong bối cảnh chỉ còn hơn ba năm nữa là phải hiện thực hóa kế hoạch thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC).
Cộng đồng ASEAN là khu vực gồm 600 triệu dân với những thách thức lớn do sự khác biệt và đa dạng về xã hội, tôn giáo, kinh tế, trong bối cảnh những điều kiện tốt từng hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực nay không còn nữa. Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến trình hiện thực hóa AEC của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) công bố nhân dịp hội nghị cũng khuyến cáo ASEAN phải tận dụng tối đa thời gian và cơ hội để hội nhập toàn cầu - như một trong những mục tiêu của việc thành lập AEC.
Xây dựng tiếng nói chung ASEAN
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sáng 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy vai trò chủ đạo trong tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các công cụ hợp tác chính trị - an ninh hiện có, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố sáu điểm của ASEAN về biển Đông.
Ông nhấn mạnh các bên sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên về biển Đông (COC), cũng như cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức đang nổi lên, qua đó góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Cần tiếp tục các nỗ lực xây dựng tiếng nói chung của ASEAN trên các vấn đề lớn mà quốc tế và khu vực quan tâm.
Thúc đẩy đàm phán về COC
Trong bài diễn văn khai mạc, Thủ tướng Hun Sen không đề cập tới tình hình biển Đông và những căng thẳng đã và đang diễn ra trên biển đe dọa tới tinh thần đoàn kết và thống nhất giữa các thành viên. Điều này cho thấy vấn đề biển Đông xem ra không phải là trọng tâm trong lịch trình quan tâm của nước chủ nhà ASEAN lần này. Tuy nhiên, ông Hun Sen nhấn mạnh cần duy trì tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, và hoạt động hiệu quả hơn nữa trong việc đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp đối phó với thách thức toàn cầu, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải.
Cùng lúc, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận: đại lộ LB Nga ở trung tâm Phnom Penh (Campuchia) trở nên rất vắng lặng khi một lực lượng cảnh sát hùng hậu được triển khai để bảo vệ an ninh cho các hội nghị.
Bên ngoài cung điện Hòa Bình - nơi diễn ra hội nghị - là những dải băngrôn màu xanh lá cây có hàng chữ sơn trắng bằng tiếng Khmer và tiếng Anh “Vương quốc Campuchia đời đời bền vững”, “Tình bạn, tình đoàn kết và hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc đời đời bền vững” và “Hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo”.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí cuối ngày 18-11, Quốc vụ khanh Campuchia Kao Kim Hourn cho biết liên quan tới vấn đề tranh chấp trên biển Đông, các lãnh đạo ASEAN sau cuộc gặp đã nhất trí sẽ không “quốc tế hóa” vấn đề và làm phức tạp thêm tình hình. Giải thích rõ hơn, ông nói: “Các lãnh đạo nhất trí sử dụng các cơ chế hiện có giữa ASEAN - Trung Quốc để giải quyết, và ASEAN sẽ phải thường xuyên liên lạc hơn với các bên liên quan để tìm giải pháp”.
Trong cuộc họp hẹp chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh ASEAN đã thống nhất được các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở trao đổi với Trung Quốc và đề nghị ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy sớm đàm phán chính thức ASEAN - Trung Quốc về xây dựng COC. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tiết lộ với báo giới: “Các nước ASEAN đã sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về các thành tố trong COC”.
Việt Nam - Singapore: đối tác chiến lược vào năm 2013
Bên lề hội nghị, sáng 18-11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hai thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thiết thực kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2013. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định sẽ thăm chính thức Việt Nam và hai bên sẽ ký kết Tuyên bố về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long nhất trí cho rằng hòa bình, ổn định ở biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn khu vực.
Thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR). “Việc chính thức công bố AIPR sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình, an ninh và hòa giải trong khu vực. Duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực là không thể thiếu cho sự thịnh vượng chung của ASEAN, trong đó bao gồm tăng trưởng của toàn khu vực ASEAN” - Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói.
Tân Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh
Trao đổi với báo chí quốc tế và Việt Nam ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo ASEAN vào vị trí tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017 sáng 18-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của ASEAN là tiếp tục nỗ lực thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột chính là cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa xã hội. Do đó, nhiệm vụ của tổng thư ký là hỗ trợ và điều phối các hoạt động để hiện thực hóa các chương trình đó”. Liên quan đến quan điểm của Việt Nam và ASEAN về tranh chấp trên biển Đông, ông Minh cho biết vấn đề gì liên quan hai nước thì giải quyết giữa hai nước, vấn đề gì liên quan tới nhiều bên thì phải được thương lượng tìm giải pháp giữa nhiều bên liên quan. ”Trên cương vị tổng thư ký ASEAN, tôi ủng hộ quan điểm đó” - ông nêu rõ. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Trong nhiệm kỳ tổng thư ký ASEAN, tranh chấp trên biển Đông - vấn đề vốn đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tới quan hệ nội khối ASEAN - sẽ có vị trí nào trong nghị trình làm việc của ông?”, Thứ trưởng Lê Lương Minh nói: “Trong việc xử lý vấn đề biển Đông, điều quan trọng nhất của ASEAN hiện nay và trong thời gian tới là bảo đảm tôn trọng và thực hiện DOC cũng như sớm tiến tới thỏa thuận COC”. Ông Lê Lương Minh là người Việt Nam đầu tiên đảm nhận vị trí này kể từ khi ASEAN thành lập (1967) và Việt Nam trở thành thành viên chính thức (1995). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận