01/12/2023 09:37 GMT+7

Thúc đẩy tăng lương, điều kiện làm việc cho công nhân

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

Lương cơ bản của công nhân địa phương ở mức 3,5 - 4 triệu đồng, trong khi lương cơ bản của công nhân tại khu công nghiệp là 5 - 5,5 triệu đồng.

Công nhân làm việc tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Công nhân làm việc tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hôm nay 1-12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028) bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại Hà Nội. 1.100 đại biểu chính thức cả nước được triệu tập dự đại hội dự kiến đến ngày 3-12.

Chiều qua 30-11, 10 diễn đàn đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức với các chủ đề khác nhau, tổng hợp ý kiến, đóng góp của đại biểu ngay trước phiên khai mạc chính thức đại hội. Trong đó, tìm kiếm các sáng kiến xoay quanh chuyện tiền lương, điều kiện làm việc tại diễn đàn về thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể khá được chú ý.

Chúng ta phải giảm bớt lý luận, tập trung vào các tình huống thương lượng rút ra từ thực tiễn. Cán bộ công đoàn cần có kỹ năng đối thoại, đàm phán, thương lượng tiền lương, thời gian, điều kiện làm việc.

Ông HOÀNG ĐÌNH TRUNG (chủ tịch Liên đoàn Lao động Nam Định)

Hưởng lợi từ thỏa ước tập thể

Bà Trần Thị Thanh Hà - trưởng ban quan hệ lao động Công đoàn Việt Nam - nói có trên 15.800 thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp được ký mới, đạt tỉ lệ 72,12% (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ). Đặc biệt, có ba thỏa ước lao động tập thể ngành mang lại lợi ích cao hơn luật cho hơn 7 triệu lao động.

"Những kết quả trên góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Đồng thời giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc và được cả lãnh đạo lẫn người lao động đánh giá cao" - bà Hà nêu.

Tuy nhiên, theo bà Hà, vẫn còn những hạn chế nhất định như nhiều bản thỏa ước lao động tập thể chất lượng thấp, nhiều thỏa thuận manh mún, chưa bao phủ rộng. Điều này đòi hỏi cán bộ công đoàn cơ sở cần bổ sung lượng kiến thức pháp luật rất lớn để thành chuyên, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động.

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 9-2023 cả nước có khoảng 51,2 triệu người có việc làm, số người làm công hưởng lương lên tới trên 27,6 triệu. Báo cáo của Tổng cục Thống kê hết năm 2022, cả nước có hơn 895.000 doanh nghiệp, tăng 23 lần thời điểm hết năm 2000.

Một số ý kiến nói mô hình Hội đồng tiền lương quốc gia với đại diện Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần tiếp tục phát huy để Chính phủ có tư vấn tốt hơn về lương tối thiểu, chính sách tiền lương.

Bữa cơm “thịnh soạn” với cơm trắng cùng nem rán, rau, đậu và dưa muối của công nhân ở xóm trọ tại Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Bữa cơm “thịnh soạn” với cơm trắng cùng nem rán, rau, đậu và dưa muối của công nhân ở xóm trọ tại Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Tăng đối thoại, giảm đình công

Bà Vi Hồng Minh - đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng nếu thực hiện tốt đối thoại sẽ thu hẹp khoảng cách giữa người lao động với doanh nghiệp, giảm tranh chấp lao động tập thể, hạn chế đình công. "Nếu người lao động cảm thấy được tôn trọng, được quan tâm sẽ có động lực lớn để làm việc với năng suất cao hơn" - bà Minh nói.

Ngoài ra, người lao động được đóng góp ý kiến thường xuyên, tham gia vào các kế hoạch hay sáng kiến cải tiến doanh nghiệp sẽ giúp các sáng kiến, cải tiến này hiệu quả và lâu bền hơn. Vì họ trực tiếp thực hiện, biết rõ những cải tiến đang làm, chắc chắn sẽ ủng hộ. Và cán bộ công đoàn cần trau dồi kỹ năng, kiến thức để đối thoại tốt với doanh nghiệp về xây dựng thang lương, bảng lương.

Bà Phạm Thị Tuyết Nhung - chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, đơn vị 100% vốn Nhật Bản - cho biết từ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người lao động, công đoàn tổng hợp, phân tích, lập thành bảng theo dõi, kịp thời đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp xem xét, giải quyết. Đơn vị đã ký thỏa ước lao động tập thể giá trị như công nhân ca đêm (22h - 6h sáng) được cộng 5.000 đồng/giờ bên cạnh 30% theo luật.

Rồi mức thưởng cuối năm bao gồm lương căn bản cộng các khoản phụ cấp theo quy định, thưởng cho nhân viên ưu tú, nhân viên giữ gìn sức khỏe tốt, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhân viên có thâm niên 10 năm, 20 năm... 

"Khi tham gia thương lượng phải thống nhất chung nội dung đối thoại, chuẩn bị cả phương án dự phòng về đối sách, lý lẽ khi trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp" - bà Nhung chia sẻ.

Ba kiến nghị gan ruột

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam Phạm Thị Tuyết Nhung kiến nghị Chính phủ có giải pháp để các tập đoàn, nhà đầu tư, đối tác, các nhãn hàng nước ngoài tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, quyền của người lao động, nhất là mức lương đủ sống.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phân loại, định danh công việc để người lao động thương lượng mức lương xứng đáng.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn đối thoại, thương lượng thuận tiện để cán bộ công đoàn cơ sở học tập, nghiên cứu.

Công nhân kể chuyện tiền lương

Bên ngoài diễn đàn, Tuổi Trẻ ghi nhận câu chuyện của chính người trong cuộc. Chị Nguyễn Việt Hà - công nhân Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh - kể thu nhập 7,3 triệu đồng/tháng chỉ đủ phí nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt và hạn chế lắm việc thăm gia đình, đi chơi may ra mỗi tháng tiết kiệm được 1 - 2 triệu đồng. Mà đó là chi phí cho người chưa có gia đình nên chị cho rằng mức lương công nhân nếu gắn bó lâu dài phải từ 13 - 15 triệu đồng/tháng mới tạm đủ sống.

Trong khi đó, chị Lương Thị Yến (43 tuổi) - công nhân Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) - với thâm niên hơn 10 năm hiện nhận lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng nhưng tháng ít việc chỉ còn 5 triệu đồng.

"Tôi có hai con gái học ở quê, con gái lớn lớp 12 cả tiền học thêm nữa cho các cháu mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Mức lương thấp mà có khi còn không đều nên chỉ mong công việc ổn định mới đỡ lo" - chị Yến bộc bạch.

Chị Lê Thị Hiên (38 tuổi) - công nhân may ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) - bức xúc vì cùng thời gian làm việc, cùng đứng dây chuyền, sức lực và hiệu quả làm việc ngang nhau nhưng lương cơ bản của công nhân ở địa phương lại thấp hơn lương cơ bản tại các khu công nghiệp lớn hiện nay.

"Lương cơ bản của công nhân địa phương ở mức 3,5 - 4 triệu đồng, trong khi lương cơ bản của công nhân tại khu công nghiệp là 5 - 5,5 triệu đồng nên cần tính toán lại quy định này" - chị Hiên nêu.

Công nhân xoay xở khi không tăng caCông nhân xoay xở khi không tăng ca

Mới 17h, khắp các nẻo đường quanh khu công nghiệp đã trở nên đông đúc, hết tốp công nhân này đến tốp khác ra về. Điều này dần trở nên quen thuộc khi doanh nghiệp giảm đơn hàng, tăng ca trở thành chuyện hiếm thời gian qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp