11/03/2024 16:16 GMT+7

Thúc đẩy nhà ở phân khúc bình dân, khắc phục tình trạng thổi giá

Chỉ đạo được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Tổ công tác của Thủ tướng họp bàn tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản - Ảnh: VGP

Tổ công tác của Thủ tướng họp bàn tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản - Ảnh: VGP

Ngày 11-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.

Tại cuộc họp, ông Hà nêu rõ quan điểm Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. 

Thừa phân khúc cao cấp, thiếu cho người thu nhập trung bình và thấp

Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá" để cung và cầu gặp nhau…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Dù vậy một số địa phương chưa thành lập tổ công tác, chưa giải quyết khó khăn; còn nhiều vướng mắc trong tổ chức triển khai thực thi pháp luật. Chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm. 

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro. Với bất động sản đó là việc đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ. 

Với gói 120.000 tỉ đồng, ông Tú nói cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP Hà Nội… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỉ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Một số kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội

Từ các ý kiến, phó thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc có thể được giải quyết trong các luật vừa thông qua, để nghiên cứu ban hành các văn bản theo thẩm quyền. 

Thống kê số dự án đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư có năng lực. Tổng kết, pháp điển hóa việc thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch với dự án nhưng không giảm các chỉ tiêu chung. 

Ngoài ra cần mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…

Ông Hà cũng giao các địa phương tính toán cụ thể nhu cầu của người dân, bố trí đầy đủ quỹ đất dành cho các dự án, báo cáo các khó khăn vướng mắc. 

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi. Thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp. 

Ông cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và mức lợi nhuận hợp lý, hài hòa lợi ích với Nhà nước, người dân; góp phần phát triển lành mạnh thị trường. 

Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tăng hơn 5.000ha so với năm 2020Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tăng hơn 5.000ha so với năm 2020

So với năm 2020, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm hơn 5.000ha.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp