06/01/2024 09:12 GMT+7

Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay năm 2024 sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngành dệt may trước thách thức duy trì đà tăng trưởng và nâng cao năng suất, công nghệ - Ảnh: N.AN

Ngành dệt may trước thách thức duy trì đà tăng trưởng và nâng cao năng suất, công nghệ - Ảnh: N.AN

Hôm qua 5-1, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Cùng dự hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và lãnh đạo các bộ ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) nên cần quyết tâm.

"5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức; Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật;

Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Kỳ vọng từ các động lực tăng trưởng mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay năm 2024 sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó là chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động phối hợp với chính sách tài khóa.

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen...).

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, việc khơi thông động lực tăng trưởng mới được kỳ vọng có nhiều triển vọng trong năm nay, bởi trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD.

Kết quả này có được một phần nhờ vào việc đẩy mạnh cơ cấu kinh tế khi tỉ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP và Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 - 2023).

Trong đó tập trung vào ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới. Phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn; phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Tích cực triển khai đề án trồng 1 triệu hec ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và huy động, sử dụng hiệu quả khoản vay 2,5 tỉ USD vốn vay ưu đãi, vốn ODA cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết tâm Chính phủ đưa ra trong bối cảnh năm 2024 được nhận định là năm còn nhiều khó khăn thách thức. Theo ông Lê Mạnh Hùng - chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tác động của tình hình địa chính trị khiến tốc độ dịch chuyển năng lượng nhanh.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và sản xuất xanh, đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, ông Hùng kiến nghị sớm thông qua chiến lược phát triển ngành dầu khí, cơ chế phát triển năng lượng mới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cơ chế cho phát triển điện khí LNG nhập khẩu.

Bức tranh kinh tế năm 2023 - Dữ liệu: Chính phủ - Tổng hợp: NGỌC AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bức tranh kinh tế năm 2023 - Dữ liệu: Chính phủ - Tổng hợp: NGỌC AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Địa phương chủ động, Chính phủ gỡ chính sách

Từ góc độ địa phương, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho hay năm 2024 sẽ có nhiều khó khăn và có khả năng lặp lại kịch bản tăng trưởng của quý 1-2023. Vì vậy, cùng với giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư các dự án trọng điểm, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%, TP sẽ tập trung loạt các chính sách cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.

Do vậy, TP.HCM đặt ra chủ đề năm 2024 là "Quyết tâm thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết 98", đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phấn đấu kinh tế số đạt 22% GRDP; triển khai khung chiến lược tăng trưởng xanh, ban hành quy chuẩn - tiêu chuẩn về thị trường xanh.

Để đạt được các mục tiêu trên, chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính quốc tế, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, các dự án giao thông quan trọng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành...

Là địa phương có nhiều chỉ tiêu đứng thứ nhất và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 13,45%, đứng đầu cả nước nhưng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện, ban hành Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư... và các quy định của pháp luật để giải quyết bất cập, vướng mắc trong các luật hiện hành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong thực thi nhiệm vụ để phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, hỗ trợ phát triển hạ tầng, đô thị...

Đồng tình với quan điểm cần khai thác mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho rằng cần thúc đẩy các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng. Đặc biệt là cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng - chiếm khoảng 32% GDP cả nước năm 2023 - nhằm tăng tính lan tỏa kinh tế vùng...

Để làm được, ông Lực đề nghị cần tăng cường hoàn thiện và thực thi thể chế. Bao gồm việc ban hành và hướng dẫn thực hiện các luật quan trọng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi... góp phần tạo điều kiện cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính - ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và bao trùm, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Đặc biệt, cần chú trọng hoàn thiện thể chế, khung pháp lý (gồm cả cơ chế Sandbox) cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thị trường tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen...

Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới- Ảnh 3.

Không đùn đẩy, né tránh công việc

Thủ tướng cho hay sẽ yêu cầu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Theo đó, các địa phương phải giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh; chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.

* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:

Xây dựng các tiêu chuẩn xanh bền vững để xuất khẩu

Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới- Ảnh 4.

Năm 2024 Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt với tình hình và sẽ tập trung xử lý những vấn đề tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng như xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm và đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như điều hành tín dụng.

Ngay từ những ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng là 15% và hiện đã phân bổ hết.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, nếu như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ngược lại, nếu lạm phát tăng cao, sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ để kiểm soát nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cần giải quyết vấn đề về vướng mắc pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hoạt động trở lại và hạn chế nợ xấu phát sinh, tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm 95% nhưng vẫn gặp khó khăn nên các giải pháp của Chính phủ cần tập trung vào nhóm này theo những giải pháp đã có trong luật như bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh bền vững vốn đang rất khắt khe, bởi nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn.

Triển vọng chứng khoán

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tại họp báo Chính phủ ngày 5-1-2024, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết 2023 là năm triển khai nhiều biện pháp tái cấu trúc thị trường, thanh lọc các công ty chứng khoán và quản lý quỹ yếu kém (đã xử lý vi phạm 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty vào diện kiểm soát và 2 đơn vị vào diện cảnh báo).

Với giải pháp lớn của Chính phủ là đảm bảo các cân đối vĩ mô bền vững, tăng trưởng, ông Chi nói đây sẽ là nền tảng cho thị trường chứng khoán năm nay phát triển ổn định, bền vững. Bộ Tài chính cam kết để thị trường vận hành an toàn, giữ thị trường minh bạch, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên.

Được biết hiện có trên 7 triệu tài khoản trên thị trường chứng khoán. Quy mô vốn hóa thị trường 6 triệu tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm 2022, tương đương 62% GDP 2022.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 2030, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường vào 2025, và theo ông Chi, ngay trong năm nay Bộ Tài chính sẽ chủ động triển khai các giải pháp để sớm đạt tiêu chuẩn nâng hạng và đề xuất tổ chức xếp hạng xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhân viên theo dõi phiên giao dịch chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên theo dõi phiên giao dịch chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Làm một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 được coi là điểm sáng của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an được coi là chủ chốt, chủ công.

Theo trung tướng Xô, Bộ Công an luôn theo chủ trương làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và rõ đến đâu làm đến đó, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, nhân dân.

Với các vụ án, trung tướng Xô nhắc lại qua quá trình theo dõi cho thấy đã làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Chẳng hạn với thao túng thị trường chứng khoán đã xử lý vụ FLC, thao túng trái phiếu là Tân Hoàng Minh, thao túng ngân hàng là xử lý vụ Ngân hàng SCB (Vạn Thịnh Phát - PV), thao túng chính sách là xử lý vụ đăng kiểm.

Bên cạnh đó là xử lý vụ xăng dầu tại Xuyên Việt Oil và xử lý liên quan đến tài nguyên, khoáng sản là vụ cát ở An Giang hay vụ án ở Lâm Đồng.

"Rõ ràng qua các vụ này, những người nào có ý đồ tiếp tục thao túng cơ bản bị ngăn chặn, chùn bước. Những kết quả trong năm qua cũng nhờ qua các vụ án cảnh báo, làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng nên thị trường chứng khoán, trái phiếu tốt lên", trung tướng Xô nêu rõ.

Phân cấp thực hiện các dự án giao thông có hiệu quả

Dự kiến đầu tư hạ tầng giao thông đến 2030 khoảng 2 triệu tỉ đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết một mình bộ không thể thực hiện mà cần sự hỗ trợ từ các địa phương tham gia. Đặc biệt, việc phân cấp thời gian vừa qua đã phát huy ngay hiệu quả.

Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trương là tập trung vào quản lý nhà nước, chỉ thực hiện các dự án có tính phức tạp cao, sử dụng công nghệ mới. Thực tiễn đã chứng minh các cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái..., các địa phương đã chủ động xin được phân cấp là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay năm vừa qua ngành giao thông có nhiều điểm sáng về đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển.

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia các dự án xây dựng cảng nước sâu, cảng container ở Cần Giờ, Ninh Chiểu... Về đường bộ, không chỉ là phân cấp cho địa phương cùng làm mà việc huy động nguồn vốn theo phương thức PPP cũng đã thực hiện tốt.

Nới điều kiện pháp cho vay tiêu dùng, tăng chi tiêu nội địa

Ông Lê Hữu Nghĩa, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, có góc nhìn và đề xuất giải pháp xoay quanh vấn đề nợ xấu. Ông Nghĩa cho rằng chắc chắn nợ xấu còn rất nhiều so với nhiều báo cáo, nhiều doanh nghiệp khó khăn về nợ xấu.

Từ đó, ông Nghĩa đề nghị trước hết cần phải giãn nợ. Tất nhiên giãn nợ sẽ bị phản ứng nhưng 2-3 năm nợ dồn tăng lên thì doanh thu không trả nổi. Thứ đến, cần phải kích cầu tiêu dùng nội địa (như đã giảm thuế) và cần nới các điều kiện pháp lý để cho vay tiêu dùng, tăng chi tiêu nội địa.

Ông Lê Trung Nam, giám đốc EPS Investing Việt Nam, thì nhìn nhận về xuất khẩu hiện đang chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ nhưng chỉ khi Mỹ bớt tăng lãi suất thì xuất khẩu mới ấm lại. Trong khi chờ việc giảm lãi suất thì mỗi doanh nghiệp có thể "tự vận động" để thích nghi với tình hình chung.

Nhiều doanh nghiệp cho hay sẽ sản xuất sau Tết cũng hợp lý vì cần có thời gian chuẩn bị khi các dự đoán cho thấy hết quý 1-2024 tình hình xuất khẩu sẽ ấm hơn. Về trái phiếu doanh nghiệp, cần minh bạch thị trường niêm yết và giao dịch hơn nữa.

Thị trường bán dẫn kỳ vọng tăng trưởng kỷ lục trong năm 2024Thị trường bán dẫn kỳ vọng tăng trưởng kỷ lục trong năm 2024

Nhu cầu AI chip tăng do công nghệ AI tạo sinh ngày càng được ứng dụng rộng rãi, thị trường ngành chất bán dẫn toàn cầu được kỳ vọng tăng 13,1%, đạt mức kỷ lục trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp