Các ngân hàng khẳng định không thiếu vốn, chỉ thiếu các phương án đầu tư kinh doanh hiệu quả - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước chủ trì hôm 14-5, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết đến hết tháng 4, tín dụng bắt đầu tăng.
Đến hết ngày 30-4, tín dụng tăng 1,42%, thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái bởi nhiều doanh nghiệp hiện chưa sản xuất kinh doanh bình thường nên không ai dám vay thêm vốn.
Mong duy trì lãi suất 6,5%/năm
Phát biểu tại nghị, ông Mạc Quốc Anh, tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội, cho rằng việc miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ... rất thiết thực với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận vốn được thuận lợi và nhanh hơn, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục rà soát các văn bản, đơn giản thủ tục, quy trình vay vốn. Các ngân hàng thương mại cũng nên cắt giảm chi phí, có thêm nguồn tiền để giảm lãi suất, phí giao dịch cho khách vay.
Ông Bùi Danh Liên, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, cho rằng tác động của dịch COVID-19 còn kéo dài, ảnh hưởng rất nặng nề đến doanh nghiệp, nhất là ngành vận tải. "Do đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ, kéo dài thời gian miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để các doanh nghiệp sống sót và tiếp tục phát triển" - ông Liên nói.
Theo ông Lê Văn An - tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cơ điện xây dựng - công ty cổ phần, nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đại dịch do các dự án đầu tư bị đình trệ khi các thiết bị nhập khẩu không thể nhận được đúng hạn... nhưng không nằm trong nhóm đối tượng được Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách cần hỗ trợ.
"Chúng tôi đầu tư các dự án thủy điện, tất cả các thiết bị nhập khẩu đều bị đối tác ở châu Âu và Mỹ thông báo hoãn cung cấp do đại dịch. Đến nay, chúng tôi cũng chưa biết khi nào nhận được thiết bị. Dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến doanh nghiệp bị thiệt hại gần 100 tỉ đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên đưa các dự án vào danh mục được hỗ trợ", ông An đề xuất.
Ngoài ra, theo ông An, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp giữ lãi suất cho vay ổn định lâu dài ở mức như hiện nay là 6,5%/năm. "Việc giảm lãi suất, thực sự doanh nghiệp vô cùng phấn khởi. Hiện hội nhập quốc tế rồi, nhiều doanh nghiệp làm đơn hàng xuất khẩu, toàn đi đấu thầu. Nếu chi phí vốn mà vay đến 9 - 10%/năm thì doanh nghiệp Việt thua hết", ông An nói.
Các doanh nghiệp mong muốn được giãn nợ, giảm lãi suất... để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay - Ảnh: T.V.N.
Không thiếu vốn, chỉ thiếu dự án hiệu quả
Ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết dù tín dụng tháng 4 bắt đầu tăng nhưng bình quân của 4 tháng đầu năm nay giảm 4,44% so với cùng kỳ 2019.
Dịch COVID-19 khiến nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn. Ước tính gần 2 triệu tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 23% trên tổng dư nợ 8,3 triệu tỉ đồng. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề gồm vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, giáo dục - đào tạo...
Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01 để các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, giãn nợ, hoãn nợ, giảm phí, giảm lãi cho doanh nghiệp...
Sau hai tháng triển khai, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỉ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 108 triệu tỉ đồng. Số vốn cho vay mới từ ngày 23-1 đến nay đạt 630.000 tỉ đồng, với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2,5% so với trước khi có dịch.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cũng phản ảnh việc triển khai cơ cấu lại nợ, giảm lãi còn chậm và mức giảm chưa được như mong muốn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước lập đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh, góp ý của doanh nghiệp.
"Qua đường dây nóng, chúng tôi rất muốn nhận được doanh nghiệp phản ảnh tổ chức tín dụng nào gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ miễn, giảm lãi suất, gia hạn nợ. Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp xử lý để làm gương..." - ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, nguy cơ nợ xấu trong thời gian tới sẽ tăng cao. Dù Việt Nam đã tạm khống chế được dịch COVID-19 nhưng diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu vẫn phức tạp. Hoạt động xuất, nhập hàng đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn cũng không cao vì chẳng biết đầu tư vào đâu.
"Các ngân hàng đang rất muốn cho doanh nghiệp vay vốn nhưng không thể do doanh nghiệp chưa có đầu ra, chưa chứng minh được hiệu quả của dự án", ông Hùng nói.
Đến lượt bếp điện từ, lò vi sóng, tủ lạnh được rao bán để xử lý nợ
Sau các bất động sản, nhà xưởng, đến lượt bếp điện từ, lò vi sóng, tủ lạnh... cũng được nhiều ngân hàng rao bán để xử lý nợ. Theo đó, PVCombank vừa rao bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Ba Sao Quốc Tế nhằm thu hồi nợ, với giá khởi điểm được rao bán hơn 18 tỉ đồng. Tài sản là toàn bộ kho hàng gồm thiết bị gia dụng như bếp điện từ, lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh đang được lưu giữ trong kho hàng tại quận 12, TP.HCM.
Trước đó, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV kinh doanh dầu khí Việt Hải lần thứ 5. Trong các tài sản bảo đảm của khoản nợ có cả vỏ bình gas, ôtô, xe tải, cổ phiếu. Agribank cũng đang rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo để xử lý nợ, trong đó chủ yếu là nhà đất, ôtô. (A.HỒNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận