Phóng to |
Ông Dương Đăng Huệ - tổ trưởng tổ biên tập Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) - phát biểu tại đoàn TP.HCM - Ảnh: M.Hương |
Tại các cuộc thảo luận, nhiều tranh cãi xung quanh những vấn đề mới của luật như tính pháp lý của chế định ly thân, quyền và nghĩa vụ trong mang thai hộ đã được đem ra mổ xẻ.
Ly thân để hàn gắn
Cùng dự phiên thảo luận tại đoàn TP.HCM, ông Dương Đăng Huệ, tổ trưởng tổ biên tập Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), thông tin: “Dự thảo luật lần này được xây dựng trên nguyên tắc đối diện với thực tiễn, không né tránh và giải quyết vấn đề hôn nhân gia đình một cách nhân đạo nhất”.
Ông Huệ dẫn chứng bằng việc dự thảo luật thừa nhận về mặt pháp lý tình trạng ly thân. Theo ông Huệ, nhiều người cứ bảo ly thân là vẽ đường cho hươu chạy, làm đổ vỡ hôn nhân nhưng thật ra ly thân là công cụ để bảo vệ hôn nhân vì sau thời gian ly thân, nhiều cặp vợ chồng quyết định quay lại sống chung.
Ngoài ra, theo ông Huệ, khi pháp luật thừa nhận tình trạng ly thân đồng nghĩa với việc xác lập nghĩa vụ cấp dưỡng của bố, mẹ với con cái trong quá trình ly thân. Điều này sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của trẻ em vì hiện nay, khi bố mẹ ly thân thì không có gì ràng buộc họ phải cấp dưỡng cho con.
Đại biểu Trần Du Lịch đồng ý với quan điểm này. Ông Lịch kể hai câu chuyện đáng nhớ nhất trong quãng đời làm luật sư của ông: “Chuyện thứ nhất là một vụ ly hôn mà khi ra tòa hai vợ chồng giành nhau đôi dép. Chuyện thứ hai là vụ ông chồng đi làm, bà vợ ở nhà nuôi con, khi ly hôn thì tòa tính quyền lợi cho bà vợ theo kiểu cho bà hưởng mức lương hằng tháng như lương người giúp việc”.
Ông Lịch bình luận: “Một cách hành xử rất xúc phạm phụ nữ. Nhiều định chế của ta rất coi nhẹ gia đình. Định chế ly thân là vấn đề cách đây hơn một thế kỷ ở miền Nam đã có rồi. Thừa nhận ly thân rất quan trọng, làm hạn chế ly hôn. Khi ly thân, nếu còn tình cảm thì họ sẽ xin hủy ly thân để sống lại. Các nước trên thế giới có thống kê rồi: nước nào có định chế ly thân thì tỉ lệ ly hôn ít hơn những nước không có”.
Bảo đảm quyền của trẻ sinh ra do mang thai hộ
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Tôi thấy luật chỉ mới quan tâm đến quyền làm cha làm mẹ khi quy định về chuyện mang thai hộ. Nhưng còn đứa trẻ được sinh ra thì sao? Phải bảo vệ quyền của những đứa trẻ được sinh ra”. Bà Tâm dẫn chứng thêm: “Dự thảo đề cập một số rủi ro, chẳng hạn như bên có nhu cầu nhờ mang thai hộ không muốn nhận con, bên mang thai hộ không muốn chăm sóc con...
Từ góc độ người làm chuyên môn về y khoa, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói: “Có thêm một rủi ro khác về mặt y học. Đứa trẻ sinh ra đẹp đẽ khỏe mạnh thì không nói, nhưng trường hợp trẻ sinh ra bị dị tật và không ai muốn nhận thì sao?”.
Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ thừa nhận đúng là còn nhiều vấn đề dự thảo chưa giải quyết hết, có thể kể đến cả trường hợp đang mang thai hộ nhưng muốn phá thai thì giải quyết ra sao. “Tôi nhất trí luật phải làm tới nơi tới chốn, hạn chế tối đa chuyện chờ văn bản hướng dẫn. Nhưng do trình độ có hạn, vấn đề này lại là vấn đề mới nên vẫn còn phải hoàn thiện thêm” - ông Huệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận