09/11/2015 10:47 GMT+7

Thua kiện gần 20 tỉ đồng, các nhân tài Đà Nẵng kháng cáo

HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG
HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG

TTO - Tám "nhân tài" bị tòa tuyên phải bồi hoàn gần 20 tỉ đồng chi phí đào tạo ở nước ngoài cho ngân sách Đà Nẵng đã nộp đơn kháng cáo xin được giảm tiền bồi hoàn.

Ông Lê Hữu Thành tham gia đề án 922, sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ sinh học tại Úc trở về thì một số đơn vị thuộc Sở Y tế Đà Nẵng không có nhu cầu tiếp nhận. Mất một thời gian ông Thành mới được bố trí vào Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: Đ.Cường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thẩm phán Trương Chí Trung - chánh tòa dân sự TAND TP Đà Nẵng - cho biết sau khi xử sơ thẩm, tòa đã nhận đơn kháng cáo của 7 bị đơn là các “nhân tài” bị chính quyền TP Đà Nẵng kiện đòi bồi thường chi phí mà TP đã đầu tư cho họ đi học ở nước ngoài. 

Đi học bằng tiền nhà nước nhưng không về làm việc

Hiện TAND TP Đà Nẵng thụ lý tổng cộng 16 vụ kiện của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng kiện 16 học viên tham gia đề án 922 phải bồi thường kinh phí đào tạo do không trở về làm việc sau khi được cử đi học nước ngoài bằng kinh phí nhà nước.

Có 7 vụ TAND TP Đà Nẵng đã xét xử sơ thẩm (do học viên bị kiện đang ở nước ngoài), 1 vụ do TAND quận Hải Châu xử sơ thẩm (học viên ở trong nước) đều tuyên buộc các học viên phải bồi thường kinh phí đào tạo cho Đà Nẵng tổng cộng gần 20 tỉ đồng.

“Sau khi xử sơ thẩm 8 vụ, các học viên đều có kháng cáo, nội dung chủ yếu là muốn cấp phúc thẩm xem xét để giảm một phần tiền bồi thường” - ông Trung nói.

Hiện vẫn còn 8 vụ kiện khác đang được các cấp tòa án thụ lý, tiếp tục xem xét giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho biết vừa qua chính quyền TP Đà Nẵng đã làm một việc chẳng đặng đừng là khởi kiện nhân tài, những người mà TP đã đầu tư đi học trong và ngoài nước với kỳ vọng sẽ về phục vụ cho quê hương.

Số tiền các học viên vi phạm bồi hoàn cho ngân sách nhà nước không đáng kể và quá trình thu hồi kinh phí đào tạo cho ngân sách khó khăn do đa số học viên vi phạm này hiện đều sinh sống, học tập, làm ăn ở nước ngoài.

Đơn cử là trường hợp của học viên H.V.L.. Năm 2010, anh L. được TP Đà Nẵng duyệt tham gia đề án 922 với ngành học kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại Trường ĐH Nottingham (Anh) trong 4 năm. Anh L. đã nhận kinh phí từ ngân sách Đà Nẵng gần 2,7 tỉ đồng.

Theo hợp đồng ký kết, sau khi tốt nghiệp anh L. phải trở về làm việc cho các cơ quan TP Đà Nẵng từ 7 năm trở lên, nếu vi phạm hợp đồng anh L. cùng gia đình phải bồi thường gấp 5 lần kinh phí TP chu cấp.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, anh L. đề nghị được ở lại Anh học lên tiến sĩ với kinh phí tự túc nhưng TP không đồng ý.

Trung tâm đã nhiều lần yêu cầu anh L. về trình diện để bố trí công tác như cam kết nhưng anh L. không thực hiện. Trung tâm khởi kiện ra tòa đòi anh L. bồi thường 100% kinh phí đã cấp. Mới đây, TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm và tuyên buộc anh L. phải bồi thường gần 2,7 tỉ đồng.

Trường hợp khác là chị H.T.T.T. - được cử đi học tại ĐH quốc tế Tây Mỹ (Mỹ) bằng nguồn ngân sách. Sau khi tốt nghiệp, chị T. lại xin học tiếp bằng nguồn kinh phí tự túc và được TP Đà Nẵng chấp nhận cho kéo dài thêm 2 năm.

Hết 2 năm, chị T. vẫn không về nước để làm việc mà xin ở lại Mỹ làm việc ba năm nữa. Không chấp nhận sự kéo dài này, TP Đà Nẵng khởi kiện đòi chị T. bồi thường kinh phí hơn 3 tỉ đồng.

Tương tự, các trường hợp bị khởi kiện đều là học xong không về TP làm việc, muốn học tiếp hoặc có ý định làm việc, định cư ở nước ngoài nên vi phạm hợp đồng.

Sẽ cưỡng chế thi hành án nếu không bồi thường

Theo quy định của TP Đà Nẵng, đối với những trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 10-12-2013 (thời điểm nghị định 143 quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo có hiệu lực thi hành) thì một số học viên được được chỉnh mức bồi hoàn từ 5 lần xuống 2 lần.

Sau mốc thời gian trên thì mức bồi hoàn là một lần.

“Điều này thể hiện sự thiện chí của TP cũng như nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thu hồi ngân sách. Hiện các học viên bị kiện đều đã kháng cáo nên việc bồi thường chưa được thực hiện”,  lãnh đạo trung tâm cho biết.

Ông M. - cha một nhân tài bị tòa xử thua kiện cho biết việc bị thua là điều đương nhiên. Bản thân gia đình ông chấp nhận việc bồi thường cho TP, tuy nhiên hiện tại gia đình không có đủ tiền để bồi thường ngay.

Sở dĩ gia đình làm đơn kháng cáo là muốn xin giảm số tiền xuống được chừng nào hay chừng đó.

Trong khi đó, ông Trần Phước Thu, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, cho biết: Thường khi ký hợp đồng với TP Đà Nẵng đưa đi đào tạo, cha mẹ và các học viên cùng ký kết. Trường hợp học viên vi phạm hợp đồng, cha mẹ và bản thân học viên đó phải đồng chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước.

Theo ông Thu, đối với các trường hợp học viên hiện đang ở nước ngoài thì qua con đường ngoại giao và các quốc gia có ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ có biện pháp để can thiệp, buộc các học viên phải trả lại tiền.

Ngoài ra, đối với cha mẹ là người liên đới, nếu không chịu bồi thường thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế theo luật định.

HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp