Sự khác biệt được thấy rõ từ chính xác đến 0,01 lít, sử dụng thẻ, phần mềm, chất lượng bảo đảm, thái độ phục vụ và nhất là yếu tố "uy tín" Nhật Bản.
Người tiêu dùng đã đòi hỏi thay đổi, nhưng các trạm xăng, các thương nhân buôn bán chẳng thèm đáp ứng. Họ không cần thay đổi vì người tiêu dùng không có sự lựa chọn. Lý do đơn giản là vì họ độc quyền.
Con số 0,01 lít chính xác thực ra không phải là một điều gì quá khủng khiếp, vì đấy là tiêu chuẩn đo lường về xăng dầu của các quốc gia phát triển. Ở Việt Nam, sai số cho phép là 0,03%, lớn hơn gấp 3, nhưng nếu đong được con số đó, người tiêu dùng hẳn cũng đã mừng.
Cuộc chơi nay đã khác khi có nhà đầu tư nước ngoài phá vỡ thế độc quyền. Đó cũng là điều đáng lo về sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ xăng dầu, dù mới bắt đầu nhưng hứa hẹn sẽ khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước.
Các chuyên gia đã nhắc đi nhắc lại câu nói: hội nhập là bơi ra biển lớn. Nhưng nay các thương nhân xăng dầu chẳng cần bơi nữa vì nước biển đã dâng đến tận nhà, đến tận chân, vượt qua những rào cản bảo hộ và quy định của WTO.
Không chỉ là xăng dầu, sóng biển đã tràn đến chân, dâng đến cổ của rất nhiều ngành nghề kinh doanh trong nước. Người tiêu dùng đã thực sự chịu sự thiệt thòi quá lâu, vì thế những "kẻ phá bĩnh" Idemitsu Q8 thực sự được chờ đợi trên một thị trường dù đã có đến 29 thương nhân đầu mối nhập khẩu, hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh nhưng không hề có sự cạnh tranh.
Người Nhật đang đem lại cho người Việt sự minh bạch, sự sòng phẳng, chữ tín và nói cho người Việt về sự khốc liệt của cạnh tranh trên những ngành nghề họ được đặt chân đến. Từ xăng dầu có thể nhìn sang các ngành khác như điện, nước..., vốn dĩ vẫn còn là độc quyền nhà nước và vốn dĩ vẫn còn đầy rẫy các vấn đề, nhất là không chịu thay đổi.
Nếu không có sự thay đổi trong tư duy, rất có thể sẽ có thêm những cú sốc như kiểu taxi truyền thống trước Uber - Grab, thua trên sân nhà không phải vì đối thủ mà vì ta không chịu đổi thay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận