Thực tế, tuy tướng lĩnh làm việc trực tiếp trong lực lượng, nhưng hình ảnh, công việc và trách nhiệm của họ cũng liên hệ tới toàn xã hội. Nên nhân dân quan tâm vấn đề này là hợp lý, hợp tình.
Tôi nghĩ hiện nay nếu nói thừa tướng cũng chắc chắn thừa, mà nói thiếu cũng có thể thiếu. Thật sự thừa, thiếu thế nào phải căn cứ cụ thể nhu cầu, tiêu chí và tiêu chuẩn phong tướng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên: đạo làm tướng trước hết phải hội đủ các đức: Trí, Dũng, Liêm, Trung, Nhân. Dũng đối với quân đội hết sức quan trọng, không có Dũng làm sao lãnh đạo binh sĩ. Làm tướng không thể thiếu năm đức tính này.
Nếu vị nào đạt được điều đó mà nhu cầu lực lượng thật sự cần thì phong tướng là xứng đáng.
Có lần tôi đã tranh luận với một vị về việc sửa đổi Luật sĩ quan. Một số đại biểu Quốc hội hỏi tại sao chánh án tòa án nhân dân huyện cần Chủ tịch nước quyết định, mà sư trưởng lại do bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vị tranh luận với tôi cho rằng chánh tòa tuyên án liên quan sinh mệnh con người. Quan điểm này đúng.
Nhưng vị sư trưởng quản dưới tay cả vạn binh sĩ. Mệnh lệnh tác chiến của ông cũng liên quan đến sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn binh sĩ. Thế thì nên đặt vấn đề bên nặng, bên nhẹ không?
Các sư trưởng, đặc biệt là sư đoàn độc lập, thì nhu cầu tướng có thể cân nhắc. Còn các lãnh đạo học viện, nhà trường, quân y, bảo tàng, viện nghiên cứu và nhiều cơ quan thời bình khác của quân đội, công an thì đâu nhất thiết phải tướng.
Chúng ta không vì nước khác nhiều tướng, mình cũng phải nhiều. Không vì công an lắm tướng, quân đội cũng phải phong cân đối hay ngược lại?
Thừa hay thiếu tướng? Nhiều đại biểu nhân dân nói phong tướng nhiều, thật sự là nhiều, chứ không phải hơi nhiều nữa. Các ý kiến này cần phải được thật tâm xem xét thấu đáo từ nhu cầu cụ thể trong lực lượng đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội chung.
Tuy có cơ chế và nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhưng lực lượng này cũng không tách rời hiện trạng xã hội.
Bác Hồ đã khuyên làm việc gì cũng phải thật tâm xem nó có lợi hay không cho nhân dân. Hồi chống Pháp, sau khi chúng ta đánh bại Pháp tấn công Việt Bắc, Bác Hồ đã phong mấy vị tướng, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Gíap. Nhà báo quốc tế hỏi cơ sở nào phong tướng?
Bác trả lời vô cùng sâu sắc rằng trường đào tạo tướng của chúng tôi là thực tiễn chiến trường. Ai đánh thắng tướng thì được phong tướng.
Khi kết thúc chiến tranh, ta chỉ có hơn 30 vị tướng. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói rõ rằng tất cả vinh quang, chiến công, thành quả này là của nhân dân. Chính nhân dân đã không tiếc bất cứ gì, kể cả xương máu, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Những vị tướng trong cuộc chiến đó là người thực hiện ý nguyện nhân dân. Dù nhiều tướng đến đâu mà không có nhân dân thì cũng chẳng thể làm được gì...
Đúng là khó so sánh nặng, nhẹ giữa thời chiến và thời bình. Bởi chiến tranh, chúng ta tập trung tất cả cho chiến thắng, còn thời bình phải giải quyết nhiều vấn đề để tiếp tục xây dựng quân đội bảo vệ Tổ quốc. Nhưng lịch sử cũng đọng lại cho chúng ta phải suy ngẫm...
Ngoài xã hội, nhân dân công tâm tôn vinh ai đó vì tài năng, cống hiến và đức độ, chứ không phải học hàm, học vị hay cấp bậc lãnh đạo. Quân đội cũng thế thôi.
Hãy lắng nghe tiếng lòng nhân dân, và học hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các đức cần có: Trí, Dũng, Liêm, Trung, Nhân. Đó chính là cái “sao” trên tất cả các sao của một vị tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận