Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước đông đảo cử tri TP Hải Phòng - Ảnh: L.K |
“Tôi muốn nghe bà con nói thêm. Phần cử tri phát biểu tự do còn ít quá, đề nghị bà con nói thêm, phần vừa rồi chủ yếu là các đại cử tri phát biểu bài đã chuẩn bị trước” - Thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh: “Đây là tiếp xúc cử tri, tôi muốn nghe thêm nhiều ý kiến, để nắm được những bức xúc của cử tri, hơi thở cuộc sống. Vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực thế nào, an toàn vệ sinh thực phẩm ra sao, những vấn đề lớn của TP ra sao? Tôi muốn nghe những ý kiến trực tiếp. Chính phủ phải làm gì, Quốc hội phải làm gì”.
“Có thể nêu hàng chục trường hợp tìm người nhà”...
Sau đề nghị của Thủ tướng, cử tri Nguyễn Trọng Lô (84 tuổi, lão thành cách mạng) đứng bật dậy, nói: “Từ khi đồng chí nhậm chức Thủ tướng, qua theo dõi tôi thấy đồng chí rất sâu sát thực tế, những vấn đề bức xúc, ở những điểm nóng đồng chí đều có ý kiến chỉ đạo xử lý. Đó là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Xin phát biểu “hai vấn đề không dám nói là bức xúc, nhưng tôi đã suy nghĩ nhiều”, ông Lô bày tỏ: "Một là công tác cán bộ. Thủ tướng đã nói chúng ta phải “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Thưa đồng chí, trên toàn quốc có hiện tượng tìm người nhà, TP Hải Phòng của chúng tôi cũng có hiện tượng tìm người nhà. Tôi có thể dẫn ra đây hàng chục trường hợp.
Hai là chống tham nhũng. Tôi nghĩ là ở TP Hải Phòng cũng có. Có cán bộ lương chỉ có thể thôi, nhưng mà nhà giàu lắm. Nói là công khai tài sản, nhưng mà ai kiểm tra được?".
Cũng muốn nói với Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội, cử tri Hoàng Xuân Lâm (lão thành cách mạng, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng) lên tiếng: “Tôi nêu một vấn đề ở xã hội chúng ta hiện nay: đạo đức xuống cấp, mà gần như là xuống đáy. Chính quyền ở xã, phường bây giờ chúng tôi không có tin tưởng nhiều đâu”.
“Đề nghị đồng chí Thủ tướng đề nghị với trung ương, đề nghị với đồng chí Tổng bí thư là các đồng chí trung ương kê khai tài sản cho chúng tôi xem, để từ đó làm gương cho các cán bộ các cấp, đến cấp xã phường” - ông Lâm nói.
"Formosa làm liên tưởng đến chất độc da cam"
“Là người lính bước ra từ cuộc chiến tranh, chúng tôi cảm nhận rõ tác hại của chất độc da cam đối với chúng ta. Vấn đề môi trường hiện đang gây tác động lớn, đe dọa cuộc sống của chúng ta, con cháu chúng ta. Formosa vừa rồi là một ví dụ, tôi có linh cảm những năm tới chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là nhân dân sống vùng ven biển” - thiếu tướng Lưu Xuân Cải, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Hải Phòng nói.
Nói Formosa chưa sản xuất mà bốn tỉnh miền Trung đã chịu hậu quả như vậy rồi, nhân dân không thể đánh cá, không thể làm du lịch được, ông đề xuất: “Tôi xin đề nghị với Thủ tướng, chúng ta có thể phải chấp nhận là mình đã sai lầm, từ đó nghiên cứu giải quyết triệt để vấn đề này”.
Vị cựu chiến binh cũng “đề nghị Thủ tướng cho biết việc ký 70 năm ký là đúng hay sai? Nếu sai thì phải xử lý người làm sai, đắng cay cũng phải xử lý. Sự cố Formosa làm tôi liên tưởng đến chất độc da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh”.
Cử tri Nguyễn Trọng Lộ xúc động khi Thủ tướng đề nghị nghe thêm ý kiến của bà con cử tri - Ảnh: L.K |
Tiếng nói bức xúc cho thấy những mặt trái cuộc sống
Cảm ơn phát biểu thẳng thắn của các cử tri “không chuẩn bị trước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “đó là những ý kiến giúp chúng ta thấy được những mặt trái của cuộc sống. Đó là ý kiến của những cán bộ lão thành, những người đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng, hết sức tâm huyết và có trách nhiệm với vận mệnh của Tổ quốc”.
“Không thể để tình trạng như Formosa vừa rồi tái diễn trên đất nước ta. Tất cả các dự án đều phải được kiểm soát, kiểm tra, không thể để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy được. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá” - Thủ tướng nêu rõ.
Ông khẳng định phải rút ra bài học sâu sắc qua những vụ việc như vậy. “Không thể để hôm nay nghe chuyện cá chết ở Thanh Hóa, ngày mai nghe chuyện cá chết ở Đà Nẵng” - ông nói.
Về việc cấp phép 70 năm cho Formosa. Thủ tướng khẳng định ưu đãi như vậy là không sai, nhưng cái sai rất rõ ràng là gây ô nhiễm môi trường. Formosa đã phải cúi đầu nhận lỗi, xin lỗi nhân dân VN và hứa không tái diễn vi phạm. Chúng ta sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ, nếu tái diễn vi phạm thì kiên quyết xử lý.
“Liêm chính là không tham nhũng”
Đề cập đến thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng giải thích rằng liêm chính, kiến tạo là phải ở tất cả các cấp, cả bộ máy phải chuyển động.
“Liêm chính là không tham nhũng. Liêm chính là phải làm hài lòng người dân, phục vụ nhân dân, chứ không phải là nhũng nhiễu nhân dân” - ông nhấn mạnh.
“Tôi cũng rất thấm thía ý kiến của cử tri về công tác chống tham nhũng” - Thủ tướng nói.
Ông cho biết Chính phủ nhấn mạnh đến công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đề cao đạo đức của cán bộ, công chức. Đặc biệt là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên đội ngũ cán bộ, công chức.
“Không có vùng cấm trong chống tham nhũng, tiêu cực” - Thủ tướng tái khẳng định.
Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính và coi đây là nhiệm vụ cấp bách. Mục tiêu là công khai, minh bạch, thuận tiện, đơn giản, giải quyết nhanh cho người dân, doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận