Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Tú - khoa ung thư tổng hợp, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trọng lượng cơ thể dư thừa được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 11% ca ung thư ở phụ nữ và khoảng 5% ca ung thư ở nam giới Hoa Kỳ, cũng như khoảng 7% tổng số ca tử vong do ung thư.
Bác sĩ Tú cho hay thừa cân hoặc béo phì có mối liên quan rõ ràng đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
"Trong đó, phổ biến bao gồm nguy cơ mắc ung thư vú (ở phụ nữ đã mãn kinh); ung thư đại tràng và trực tràng; ung thư nội mạc tử cung; ung thư thực quản; ung thư túi mật; ung thư thận; ung thư gan; ung thư buồng trứng; ung thư tuyến tụy; ung thư dạ dày; ung thư tuyến giáp; bệnh đa u tủy xương; u màng não, tủy.
Thừa cân hoặc béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như u lympho ác tính non Hodgkin; ung thư vú nam; ung thư hạ họng và khoang miệng; ung thư tuyến tiền liệt tiến triển", bác sĩ Tú nêu.
Bác sĩ Tú cho hay mối liên hệ giữa trọng lượng cơ thể với các bệnh ung thư là khác nhau.
Ví dụ, trọng lượng cơ thể dư thừa được cho là nguyên nhân gây ra hơn một nửa số ca ung thư nội mạc tử cung. Trong khi đó, trọng lượng cơ thể liên quan đến một tỉ lệ nhỏ hơn ở các bệnh ung thư khác.
"Bên cạnh đó, thời điểm tăng cân cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư. Thừa cân trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành trẻ có thể là một yếu tố nguy cơ nhiều hơn là tăng cân sau này đối với một số bệnh ung thư.
Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thừa cân khi còn là thanh thiếu niên (chứ không phải những người tăng cân khi trưởng thành) có thể có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn trước khi mãn kinh.
Tuy nhiên, cân nặng quá mức lại có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ giai đoạn sau mãn kinh hơn là trước mãn kinh.
Vậy tại sao trọng lượng cơ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư? Bác sĩ Tú phân tích trọng lượng cơ thể dư thừa có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư theo một số cách, một số trong đó có thể đặc trưng cho một số loại ung thư.
Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách ảnh hưởng đến viêm trong cơ thể hoặc sự phát triển của tế bào và mạch máu.
Chất béo dư thừa còn ảnh hưởng đến khả năng sống lâu hơn bình thường của tế bào.
Mức độ của một số hormone nhất định, chẳng hạn như insulin và estrogen, có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Các yếu tố khác điều chỉnh sự phát triển của tế bào, chẳng hạn như yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1). Béo phì cũng làm ảnh hưởng đến khả năng lây lan của tế bào ung thư (di căn).
Giảm cân có làm giảm nguy cơ ung thư?
Bác sĩ Tú nêu nghiên cứu về cách giảm cân có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư còn hạn chế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú (sau mãn kinh) và ung thư nội mạc tử cung.
"Một số thay đổi của cơ thể xảy ra do giảm cân cho thấy điều này thực sự có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Ví dụ những người thừa cân hoặc béo phì cố tình giảm cân đã làm giảm mức độ của một số hormone có liên quan đến nguy cơ ung thư, chẳng hạn như insulin, estrogen và androgen.
Mặc dù chúng ta vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về mối liên hệ giữa giảm cân và nguy cơ ung thư, nhưng những người thừa cân hoặc béo phì nên được khuyến khích và hỗ trợ nếu họ cố gắng giảm cân.
Ngoài việc có thể giảm nguy cơ ung thư, giảm cân còn có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Giảm cân dù chỉ một lượng nhỏ cũng có lợi cho sức khỏe và là điểm khởi đầu tốt", bác sĩ Tú khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận