28/04/2013 05:37 GMT+7

Thư viện của ông Cường

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Từ năm 2008, ngôi nhà có tấm bảng “Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng” trên đường Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) là nơi lui tới của nhiều trẻ em trong các khu xóm.

hoKf9CZa.jpgPhóng to
Ông Cường và một bạn đọc sách nhỏ tuổi trong thư viện của mình - Ảnh: Yến Trinh

Trên bàn đọc sách có một hộp giấy được ông Phạm Thế Cường, chủ nhân thư viện, giữ gìn cẩn thận. Trong hộp chứa hơn trăm tấm thẻ mượn sách của các em. Với lòng yêu sách và yêu trẻ, suốt năm năm qua, người đàn ông 53 tuổi này đã giúp tâm hồn các em trở nên giàu có.

Giàu hai con mắt

Ông Cường thành lập câu lạc bộ người yêu sách mang tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để tổ chức nói chuyện về các nhà văn Việt Nam mỗi tháng. Ông đến các nhà sách để mua thêm tư liệu về nhà văn sắp giới thiệu. Rồi ông trưng bày các tác phẩm ấy ra chiếc tủ kiếng trước thư viện. Nhờ câu lạc bộ này, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hiện là giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, gần đây đã tặng thư viện mỗi tháng 400 đầu sách.

“Lúc nhỏ tôi mê đọc vô cùng nhưng nhà rất ít sách. Vì vậy tôi hiểu cảm giác của những đứa trẻ khi thèm sách mà không có để đọc. Tâm hồn của chúng phải được nâng niu cùng những quyển sách, nhưng nhiều gia đình quên mất điều này. Tôi muốn sách của tôi phục vụ bọn trẻ” - ông Cường nói về lý do mở thư viện miễn phí với khoảng 22.000 đầu sách.

Từ khi mở thư viện, mỗi tháng ông bỏ ra 3-4 triệu đồng tiền dành dụm và lương hưu để mua sách bổ sung. “Trước đây tôi mua sách cho mình nên thiếu quyển này quyển nọ cũng không sao. Nhưng bây giờ thư viện là của mọi người. Ai tới mượn mà không có sách, tôi thấy mình có lỗi” - ông Cường nói. Lo mình lớn tuổi không theo kịp ý thích của lũ trẻ nên trước khi mua sách, ông hay hỏi các em thích sách gì, quyển nào mới xuất bản, rồi lên mạng tìm hiểu để hôm sau đi mua. Nhờ tấm lòng của ông, nhiều đứa trẻ đã không còn sợ môn văn ở trường, đã cởi mở hơn khi tiếp xúc với cuộc sống, dần trở nên những người yêu sách thánh thiện.

Câu chuyện với chúng tôi gián đoạn khi một em trai bước vào mượn sách. Nguyễn Kiều Minh Huy, 15 tuổi, cười chào ông Cường và tiến thẳng tới chỗ cần mượn. Sách ở đây được đánh thư mục theo tên viết tắt thể loại, như sách khoa học ghi là “KH”, nên dễ tìm. Huy đã tìm xong mấy cuốn sách về hóa học, cười nói: “Chú Cường tốt lắm, em mượn sách gì cũng có”. Em kể nhà em chỉ có duy nhất quyển Dế mèn phiêu lưu ký, nhưng từ khi quen với ông Cường, em được đọc bao nhiêu là sách. “Biết em thích sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên khi em mượn, chú tặng em mấy quyển luôn. Đợt trước em làm mất sách của chú, chú chỉ hỏi đó là những quyển gì để chú mua lại chứ không la rầy em” - Huy nói.

“Các cháu phải được chơi”

Không chỉ lập ra thư viện, hằng tháng ông Cường còn tổ chức cho các em tham quan những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn. Lúc thì bảo tàng, khi là sở thú, bưu điện thành phố... Ông nói: “Tôi muốn các cháu tạm thời quên những mệt mỏi trong học tập, ra ngoài hiểu thêm cuộc sống. Các cháu phải được đi chơi, trẻ con mà”. Lúc đầu, ông Cường đến tận nhà mỗi phụ huynh để xin phép cho các em đi chơi. Lâu ngày phụ huynh quen dần và mừng vì con mình được đi trải nghiệm mà bản thân họ chưa làm được cho con vì bận mưu sinh, nên chỉ cần ông gọi điện là họ đồng ý ngay. Từ những chuyến đi như thế, các em học được nhiều điều và hình thành ý niệm khám phá thế giới. Chị Lê Thị Diệp, phụ huynh của hai em nhỏ nhà gần đó, cười tươi khi nói về ông Cường: “Từ khi có thư viện và những chuyến tham quan của anh Cường, hai con của tôi vui vẻ hẳn. Chúng hay đọc sách khi rảnh rỗi thay vì nghịch phá, việc học cũng hào hứng hơn”.

Đặc biệt khi hè đến, thư viện đông hẳn, nhiều bữa thiếu chỗ ngồi. Ông Cường tổ chức cho các em những cuộc thi nho nhỏ: thi xem ai đọc sách nhiều nhất, thi viết cảm nhận về sách theo chủ đề từng năm như môi trường, Bác Hồ, quê hương... Đến cuối hè ông làm buổi tiệc tổng kết phát thưởng cho các em. “Phần thưởng chỉ là mấy quyển sách và mấy mươi ngàn đồng, nhưng các cháu rất thích vì cảm thấy ích lợi của việc đọc sách” - ông nói.

Dần dà, tiếng lành đồn xa, các sinh viên học sinh gần đó thi thoảng tới phụ ông chăm lo thư viện. Đa số là đoàn viên thanh niên của phường và các trường học. Đến nay số cộng tác viên và thành viên Câu lạc bộ Nguyễn Huy Tưởng do ông thành lập khoảng 60 người. Đặng Huỳnh Thị Lâm Thanh Vân, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: “Mình phụ giúp chú Cường trong thời gian rảnh rỗi, vì cảm thấy tấm lòng của chú đối với trẻ em. Chính sự thân thiện, tình yêu thương chú dành cho mọi người đã gắn bó tụi mình với thư viện”.

Lắng nghe tuổi thơ

“Điều tôi quý trọng nhất ở nơi này không phải là những quyển sách tôi dày công sưu tập, mà chính là tình cảm của những đứa trẻ dành cho tôi - ông kể - Ngày nào thư viện mở cửa, thể nào cũng có cháu nào đó kể cho tôi nghe ba mẹ chúng mới cãi nhau. Có cháu không tiền đi học thêm bị cô giáo đánh. Cũng có cháu buồn phiền vì những khó khổ hằng ngày”.

Ông không thể giúp những đứa trẻ thoát khỏi nỗi đau đời, nhưng bằng tình cảm, ông đã ở bên chúng những lúc chúng cần. Em N.T.L.G., học lớp 5, kể ông Cường nghe rằng ba em thường đánh mẹ em. Ông nhỏ nhẹ an ủi em. Rồi khi em nguôi ngoai, ông dẫn dắt em vào thế giới sách, nơi có những nhân vật hiền lành chăm ngoan gặp điều may mắn. “Nhờ vậy, cô bé không suy sụp và vẫn có kết quả học tập tốt. Nhưng đối với những đứa trẻ nhạy cảm, phải có thời gian để chúng tin tưởng trải lòng với mình” - ông nói.

Dành 40m2 - một nửa diện tích ngôi nhà của mình - cho thư viện, mỗi tuần mở cửa vào chiều thứ hai, tư, sáu và chủ nhật, ông Cường chỉ mong giữ hoài thế giới bình yên ấy cho những đứa trẻ. Ông tâm sự: “Tôi mong thư viện này sẽ nuôi dưỡng niềm vui, lòng nhân ái nơi các cháu. Tôi tin những người thích đọc sách sẽ là người tốt. Các cháu cũng vậy”.

Ở Sài Gòn không hiếm thư viện nhưng còn quá ít những tấc lòng ưu ái giống ông Cường. Người đàn ông này hay ngồi nơi tầng gác mái nhà mình mỗi chiều, chăm chú cập nhật danh mục sách dày đặc trên chiếc máy tính “cổ lỗ sĩ”. Xung quanh là những quyển sách của cả cuộc đời ông. Chúng là những quyển sách hạnh phúc vì được những đứa trẻ xóm này lần giở mỗi ngày. Cầu mong theo thời gian, ở những nơi khác, có thêm nhiều đứa trẻ và nhiều quyển sách như thế.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp