Các bé thích thú với phần vẽ về sự tự do theo trí tưởng tượng của mình - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đó là mô hình hoạt động của Lớp học Trên Cây, dự án trò chuyện cùng các bé về những vấn đề triết học, được dẫn dắt bởi cô Đặng Hương Giang đang theo học thạc sĩ ngành khoa học giáo dục (ĐH Paris Descartes, Pháp), cô Nguyễn Diệu Hoa (giáo viên văn Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội) và cô Nguyễn Thanh Nguyệt (giáo viên văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội).
Lớp học Trên Cây - trò chuyện cùng em về triết học gồm có sáu buổi, tương ứng với sáu chủ đề là: Em là ai, Có phải chỉ con người mới có tình yêu, Nỗi sợ là gì thế, Ý nghĩa của tự do là gì, Làm thế nào để chung sống cùng nhau, Có phải Trái đất này là của con người, dành cho các em trong độ tuổi 6-11 và 12-16.
"Triết gia tập sự"
Các bé đến học ở lớp Trên Cây có nhiều độ tuổi khác nhau, từ 6-11 tuổi. Lớp không bàn ghế, không tập vở, không phấn trắng bảng đen. Thay vào đó, các bé sẽ ngồi thành vòng tròn, ở giữa được trải giấy trắng to, có bút màu, bút chì, gôm...
Chủ đề được các "cô thợ xây" chuẩn bị trước, các bé sẽ về đúng vai trò của mình được phân công trong buổi "đàm đạo". Bé thì trong vai trò bạn thủ lĩnh - người trao quyền phát biểu cho các bạn khác dựa trên những nguyên tắc đã thống nhất.
Có bé vai "nhắc nhớ" - trình bày một cách súc tích và dễ hiểu quan điểm của những bạn khác khi được người điều phối hoặc bạn thủ lĩnh đề nghị.
Có bé làm thư ký - tỉ mỉ ghi chép phát biểu của mọi người để có thể trình bày bản tổng kết vào cuối cuộc trò chuyện. Ngoài ra, còn có cả bé đóng vai quan sát - chăm chú theo dõi mức độ tham gia và thái độ tranh luận của tất cả những người khác.
Cứ thế, trẻ được khuyến khích hỏi - đáp về các câu hỏi căn bản và gần gũi nhất với các em, gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Qua đó, trẻ học cách phát triển quan điểm của mình, giải thích một cách thuyết phục quan điểm đó cho người khác rồi lắng nghe, học hỏi lẫn nhau.
Phương pháp tiếp cận triết học của lớp Trên Cây được lấy cảm hứng chủ yếu từ mô hình "Cộng đồng giải quyết vấn đề" của Matthew Lipman và mô hình "Thảo luận mang tính dân chủ và triết học" của Michel Tozzi.
Câu hỏi của con không còn vớ vẩn
Theo cô Đặng Hương Giang, trong tiếng Hi Lạp cổ, triết học có nghĩa là niềm yêu thích sự hiểu biết. Ngay trong những giao tiếp và ứng xử hằng ngày mà chúng ta đang thấy ở trẻ em, cách các em đặt câu hỏi, thắc mắc những thứ hiển nhiên, cách các em luôn tò mò trước thế giới và không ngại tìm lời giải đáp đã bộc lộ năng lực của một triết gia.
Thế nhưng những câu hỏi trong trẻo, hồn nhiên đó lại luôn bị người lớn cho là vớ vẩn. Một phần vì bận rộn mà họ vội vàng bỏ qua những đôi mắt tròn, mắt dẹt của trẻ đầy thích thú trông đợi câu trả lời từ người lớn. Để rồi tất cả đổi lại sự "bất lực" trong chính bản thân chúng và cả người lớn trước các vấn đề cuộc sống xung quanh.
Chị Vũ Thị Thanh Tâm (Q.Tân Phú, TP.HCM), phụ huynh của lớp Trên Cây, chia sẻ: "Trẻ con thì hay hỏi, mà người lớn thì không muốn trả lời, đôi lúc không thể trả lời vì chẳng biết phải nói như thế nào để chúng hiểu.
Tham gia lớp học này giúp con tự hỏi và tự trả lời từ các bài học gần gũi tựa như bài nhập môn triết học. Qua đó mình biết con đang suy nghĩ gì, suy nghĩ như thế nào, tại sao con nghĩ vậy... và mình hiểu con mình hơn. Sau đó mình cho con đọc sách thêm để phát triển tư duy, sáng tạo".
Chị Nhật Anh (Q.Gò Vấp), phụ huynh có hai con tham gia Lớp học Trên Cây, cũng chia sẻ: "Ban đầu tôi thấy lớp học triết cho trẻ thì khá tò mò, vì tò mò nên mới tìm hiểu. Nhưng không ngờ càng tìm hiểu càng thú vị và thấy nó có ý nghĩa vô cùng cho các con, giúp các con không những đặt câu hỏi, tư duy, giúp con luôn tò mò, khao khát khám phá thế giới xung quanh. Bé nhà tôi rất nhát, tham gia lớp này giúp con chủ động, tự tin hơn".
Đồng quan điểm, phụ huynh Dương Kim Ngọc (Q.11) cho rằng: "Việc truyền tải, dạy triết cũng như giáo dục công dân ở trường học hiện nay hầu như mang tính một chiều. Nghĩa là thầy cô giáo truyền tải kiến thức mà không để học sinh chủ động tìm hiểu, thảo luận với nhau. Điều này đè nặng một lượng kiến thức bị động vào các em, làm các em khó tiếp thu".
Những "cô thợ xây"
Bé Đặng Thu Hương - 10 tuổi, học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (Biên Hòa, Đồng Nai) - nói: "Con thấy triết học rất dễ hiểu, chỉ cần con trả lời các câu hỏi mà "cô thợ xây" hỏi theo ý hiểu của con. Ở lớp con có thể giải tỏa những cái ở nhà con hay phải kiềm chế như ba mẹ hay sai con đi mua đồ giữa trưa nắng, sai con kiếm đồ cho ba mẹ...
Ở đây con được nói, con tự tin hơn". "Chúng tôi nhìn nhận vai trò của mình như người thợ xây đặt từng viên gạch, mảnh gỗ để hình thành một không gian đầy ắp câu hỏi và sự suy tư dành cho trẻ em. Trên hết, chúng tôi đề cao sự tự do trong nghĩ suy và lời nói của các em" - cô Hương Giang chia sẻ.
Lớp học được ba thành viên cùng nhau lên ý tưởng từ những ngày còn là sinh viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Khi trải qua quá trình tiếp xúc và giảng dạy từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông, từ trong nước đến học tập ngoài nước, các cô nhận thấy mỗi ngày sự cần thiết của việc kích hoạt trí tò mò ở mỗi học sinh để các em tiếp tục hành trình tự vấn về ý nghĩa của đời sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận