Người dân đưa sâm và các sản vật từ vườn xuống chợ phiên
Những tay chơi sâm từ TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội đổ về. Phải là tay chơi, bởi mỗi ký sâm có giá khoảng 60 triệu đồng.
Phố huyện miền núi mọi ngày vắng vẻ nay nhộn nhịp hẳn. Ở bãi đất trống nằm giữa thung lũng có mấy chiếc xe hơi đắt tiền. Ở khu chợ, tiếng Kinh, tiếng Xê Đăng í ới. Những người trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống mang những balô sâm tới.
Chợ phiên sâm Ngọc Linh đầu tiên được huyện Nam Trà My tổ chức trong ba ngày đầu tháng 10, dự kiến sẽ duy trì đều đặn mỗi tháng một lần.
Theo ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, thông qua phiên chợ để nâng tầm giá trị loài biệt dược được xếp vào nhóm những loại sâm tốt nhất thế giới, tạo thói quen buôn bán cho người bản địa.
Hai người đàn ông Xê Đăng vừa tới chợ, mồ hôi nhễ nhại. Đặt chiếc balô xuống nền đất, họ lôi mấy củ sâm gói trong mớ lá môn dính bê bết bùn đất.
Những tiếng ồ à vang lên. Người ta xúm lại coi. Một người đánh tiếng: "Củ này bao nhiêu tiền?". Hai người đàn ông Xê Đăng lắc đầu: "Chưa biết". Rồi họ trò chuyện líu lo một hồi, rút điện thoại nói chuyện í ới, rồi chốt giá: 200 triệu! Một số người nhắc: Nói thách ít thôi!
Ở một chỗ khác, một người giọng Quảng Bình hỏi một thanh niên Xê Đăng: "Củ này bao nhiêu, nói phát một thôi. Được thì đưa tiền". Anh chàng tay mân mê củ sâm, đáp: "Cái này trồng mấy năm rồi, mình bán 15 triệu". Rồi, xong một giao dịch, tiền trao cháo múc.
Củ sâm "khủng" tại chợ phiên là của chủ vườn ở Ni Dóc (Trà Linh), được rao bán hàng trăm triệu đồng
Tại phiên chợ sâm, khách lạ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những củ sâm nhỏ như ngón tay mà có giá tiền triệu, chục triệu.
Những củ to, lâu năm có giá lên tới cả trăm triệu đồng. Hình ảnh tương phản dễ thấy là những người bán sâm lầm lũi, đen đúa, chất phác và những người giàu có, ăn mặc sang trọng, lắm tiền.
Ông Hồ Quang Bửu đi hết quầy sâm này lại chen vào đám đông khác để coi bà con mua bán.
Ông cười: "Có ai thấy ở đâu mà dân cứ đổi từng củ sâm rồi lấy từng bó tiền xếp vào túi như ở Nam Trà My không?". Ông nói, coi là vùng núi vậy chứ ở đây có tới 30 đại gia người Xê Đăng. Họ sở hữu những vườn sâm lớn.
Ông Trần Văn Thương - phó chủ tịch xã Trà Linh, xã có nhiều vườn sâm - nói cây sâm được người dân trồng từ mấy chục năm trước nhưng nở rộ từ khoảng chục năm trở lại đây.
Mỗi cây sâm con có giá 500.000 đồng, một hạt khoảng 70.000 đồng. Còn sâm củ bán tại vườn thì không dưới 4.000.000 đồng/lạng, tùy theo độ tuổi.
Nam Trà My là huyện duy nhất của Quảng Nam và là một trong ba vùng trên chóp đỉnh Ngọc Linh có thể trồng được sâm.
Cây sâm Ngọc Linh đã làm thay đổi bộ mặt những ngôi làng trên đỉnh núi, giúp người Xê Đăng no ấm.
Mệnh giá đồng tiền được giao dịch ở chợ sâm chủ yếu là tờ... 500.000 đồng
Săm soi củ sâm trước khi ngã giá
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận