Thủ tướng yêu cầu cần phải tìm biện pháp để ứng phó với căn bệnh sụt giảm kinh tế nhằm đạt mục tiêu kép - Ảnh: CP
Theo quyết định ban hành cách đây 2 tuần về việc phân công công tác của Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trực tiếp chỉ đạo, điều hành khối kinh tế tổng hợp.
Cuộc họp hôm nay nhằm phân tích đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua, nhất là tác động của dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cũng như thảo luận về dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc cuộc họp đầu tiên trên cương vị chủ tịch hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, các nước có sự sụt giảm tăng trưởng, trong đó có các đối tác của Việt Nam.
Theo dự báo mới đây, tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ giảm, không như dự báo trước đó.
"Có loại văcxin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch COVID-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm tăng trưởng", Thủ tướng đặt vấn đề.
Mặc dù có thành công bước đầu quan trọng trong việc ngăn chặn COVID-19, song Thủ tướng khẳng định Việt Nam muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe về một "liều văcxin" mà các thành viên hội đồng góp ý, hiến kế để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế diễn ra trên toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị hội đồng thảo luận, đề ra các chủ trương, chính sách, những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ hiện nay, tư vấn cho Thủ tướng các chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu đề ra, nhấ t là một số vấn đề về đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận