04/09/2021 18:35 GMT+7

Thủ tướng: Ưu tiên hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học trực tuyến

N.AN
N.AN

TTO - Các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, nơi nào an toàn vẫn khai giảng bình thường và chuẩn bị cho việc tiêm chủng cho học sinh, giáo viên.

Thủ tướng: Ưu tiên hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học trực tuyến - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến gặp nhiều khó khăn - Ảnh: N.K.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục, đặc biệt là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.

Vì vậy, trước diễn biến dịch dự báo còn kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các bộ, địa phương chủ động thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch thì vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Chuẩn bị cho việc tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; bổ sung và tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học, nêu cao tinh thần chống dịch "mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch...

Để phục vụ hiệu quả cho việc học trực tuyến, Thủ tướng cũng đề nghị nhà trường hướng dẫn gia đình có biện pháp để đảm bảo an toàn, hiệu quả; các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa, gồm cả bản điện tử đầy đủ thuận lợi.

Có phương pháp đánh giá, kiểm tra trực tuyến phù hợp, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình chống dịch, từng bước chuyển đổi số để chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và bảo vệ tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh với địa phương đang có dịch và thực hiện chỉ thị số 15 và chỉ thị số 16, trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng, đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập.

Thực hiện miễn giảm học phí, bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non.

Tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển trường thuận lợi cho học sinh trong trường hợp gia đình thay đổi địa bàn sinh sống do tác động của dịch COVID-19; nghiên cứu tăng cường số lượng, chất lượng hệ thống trường bán trú dân nuôi để duy trì, phát triển mô hình này phù hợp với điều kiện địa phương.

Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn Dạy học trực tuyến và nỗi lo rớt mạng, chập chờn

TTO - Năm học mới, các trường phổ thông ở TP.HCM dạy học trực tuyến với nhiều phần mềm khác nhau. Ngoài nỗi lo về máy tính, còn có một nỗi lo khác thường trực là 'bị out' (rớt mạng) khi học trực tuyến.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp