Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8-11.
Các hoạt động có ý nghĩa quan trọng, kỳ vọng mang lại kết quả cụ thể, thực chất đối với Việt Nam, tiểu vùng Mekong, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Hội nghị trực tiếp trở lại sau 6 năm
* Xin thứ trưởng chia sẻ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến công tác lần này của Thủ tướng?
- Đây là lần đầu tiên các hội nghị hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng hợp tác, giúp các cơ chế vững vàng bước sang kỷ nguyên phát triển mới, với nhiều thông điệp ý nghĩa.
Trước hết đó là nâng cấp nội hàm hợp tác tiểu vùng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tiểu vùng Mekong cần có những bước "đột phá" để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Vì vậy bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các vấn đề mới sẽ được thảo luận, nổi bật là đổi mới sáng tạo.
Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế truyền thống GMS, ACMECS, CLMV, mà còn tiên phong đưa tiểu vùng Mekong lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị.
Các sự kiện cũng góp phần nâng cao tin cậy chính trị giữa các nước thành viên khi quy tụ đầy đủ các quốc gia dọc sông Mekong cũng là nước láng giềng với Việt Nam. Với các hoạt động của Thủ tướng tại đây, sẽ là dịp quan trọng Việt Nam thể hiện thiện chí hợp tác.
Đó là tinh thần cởi mở, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam với các nước thành viên. Các hoạt động này nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng toàn diện.
Chuyến công tác cũng nhằm duy trì đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, hiện thực hóa những kết quả đạt được từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 8-2024).
Từ đó duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cả cấp trung ương và địa phương, phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Chuỗi sự kiện này cũng kỳ vọng nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các cơ chế GMS, ACMECS và CLMV nói riêng và hợp tác tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng cũng sẽ chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV, hợp tác tiểu vùng Mekong. Từ đó khẳng định tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tìm kiếm nguồn lực mới cho phát triển tiểu vùng sông Mekong
* Ông có thể chia sẻ những nội dung chính các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác là gì?
- Với 4 ngày làm việc, các hoạt động của Thủ tướng sẽ diễn ra liên tục với chương trình hết sức phong phú, đa dạng và thực chất. Trong đó, Thủ tướng sẽ tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại ba hội nghị đa phương GMS, ACMECS, CLMV.
Cùng đó là các cuộc gặp song phương với một số đối tác quan trọng; tham dự các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, tọa đàm với doanh nghiệp; thăm một số cơ sở kinh tế, logistics tại Côn Minh và Trùng Khánh, Trung Quốc.
Bao gồm các đối tác phát triển, các thiết chế tài chính đa phương, các cơ quan trung ương, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc cũng như thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của kiều bào Việt Nam tại Trung Quốc.
Ngoài sự đa dạng về hình thức, đối tác, chuyến đi nhấn mạnh sự thực chất về nội dung. Trong đó, những trọng tâm hợp tác được đẩy mạnh gồm thúc đẩy lĩnh vực phù hợp, ưu tiên phát triển, như thương mại - xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường liên kết hạ tầng cứng - hạ tầng mềm; quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước xuyên biên giới.
Đồng thời tích cực tìm kiếm nguồn lực phát triển các tiềm năng to lớn như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông minh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việc huy động nguồn lực này nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, giảm phát thải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận