Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven (trái) đã đệ đơn từ chức lên Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlen ngày 10-11 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, hồi tháng 8-2021, ông Lofven xác định sẽ từ chức vào tháng 11 này. Ông cho biết cuộc tổng tuyển cử dự kiến của Thụy Điển sẽ diễn ra vào tháng 9-2022, do đó, điều quan trọng là cần bàn giao công việc sớm.
Tuần trước, ông Lofven - người giữ chức thủ tướng được 7 năm - tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội tại đại hội đảng.
Bà Magdalena Anderson, 54 tuổi, hiện là Bộ trưởng Tài chính, sẽ kế nhiệm vai trò chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội. Bà cũng đứng trước cơ hội trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, dù chưa ấn định thời gian tổ chức.
Tuy nhiên, cơ hội của bà Anderson không hoàn toàn dễ dàng do liên minh thiểu số của ông Lofven cũng trải qua nhiều khó khăn kể từ khi nắm quyền năm 2014.
Bà Anderson phải giành được sự ủng hộ từ các đảng liên minh là đảng Xanh, đảng Cánh tả cùng với các đảng đồng minh bên ngoài là đảng Trung tâm và đảng Tự do. Tuy nhiên, hiện giữa các đảng này đang xảy ra mâu thuẫn.
Một thách thức khác với bà là sự nổi lên của đảng Bảo thủ ôn hòa. Đảng này kết hợp với đảng Dân chủ Thụy Điển có tư tưởng phản đối người nhập cư và hiện đã sẵn sàng lên cầm quyền với sự ủng hộ trong Quốc hội.
Phát biểu sau khi được bầu là chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, bà Anderson khẳng định sẽ ưu tiên khí hậu, khôi phục quyền kiểm soát dân chủ với trường học và hệ thống y tế sau làn sóng tư nhân hóa, và đẩy mạnh cuộc chiến chống lại phân biệt đối xử và các băng nhóm bạo lực.
Cuối tháng 6-2021, Thủ tướng Stefan Lofven nộp đơn xin từ chức do không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Đến ngày 7-7, ông được Quốc hội Thụy Điển tái bầu làm Thủ tướng để tạm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận