Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chính phủ điện tử
Báo cáo tại hội nghị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết đã bố trí 100% công an xã chính quy, đây là một nguồn nhân lực quan trọng để bảo đảm thu thập, bổ sung dữ liệu đầy đủ, liên tục.
Từng cảnh sát khu vực, công an xã xuống tận khu vực nhà dân như khẩu hiệu trong chống dịch COVID-19 là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để bảo đảm có số liệu chính xác, đầy đủ. Đến nay đã thu thập 40 triệu thông tin.
Bộ Công an phấn đấu sẽ đưa vào vận hành chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1-7-2021. Bộ cũng đề xuất triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm nền tảng cho Chính phủ điện tử.
Bài học từ người đứng đầu
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế cho biết một trong những bài học quan trọng là sự quyết liệt của người đứng đầu. Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam...
Cùng quan điểm, tỉnh Bình Phước cho rằng nơi nào người đứng đầu vào cuộc thật sự thì nơi đó có kết quả cao. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính, cấp xã đạt 71%.
Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã được hoàn thiện. UBND tỉnh đã yêu cầu cán bộ, công chức không nhận hồ sơ giấy khi thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã tăng vượt bậc, từ 9% (trước ngày 19-5-2020) lên 97% (ngày 21-8-2020). Tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện và chia sẻ cho địa phương sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai, đăng ký kinh doanh...
Ghi nhận các ý kiến, kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.
Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến của Bộ Y tế, tỉnh Bình Phước về bài học quan trọng là phát huy vai trò của người đứng đầu.
Môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.
Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020.
Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Thông tin và truyền thông hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định về định danh và xác thực điện tử, phấn đầu hoàn thành trong quý 3-2020.
Các bộ ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4...
Hằng tháng, Bộ Thông tin và truyền thông thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10-2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải làm gương về áp dụng CNTT.
Thủ tướng dự Đại hội Đảng bộ Văn phòng Chính phủ
Sáng 26-8, Đại hội Đảng bộ Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 khai mạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo đại hội. Chiều cùng ngày, đại hội đã công bố kết quả bầu cử Ban chấp hành Đảng bộ Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 27 người. Tại đại hội bầu trực tiếp 25 người, 2 người sẽ kiện toàn sau đại hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận