Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha - Ảnh: REUTERS
Ngày 11-2, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã gọi tin đồn đảo chính đang lan truyền tại nước này là "tin giả", theo báo Straits Times.
Ông Prayuth cũng bác bỏ thông tin trong một tài liệu đang được lan truyền rộng rãi tại Thái Lan nói rằng các tướng cấp cao trong quân đội đã bị sa thải.
"Vấn đề này đang được điều tra và thủ phạm sẽ bị trừng phạt", nhà lãnh đạo 64 tuổi nhấn mạnh.
Trước đó, "đảo chính" đã trở thành một trong những từ khóa nóng nhất trên mạng xã hội Thái Lan sau khi tài liệu trên được đăng tải. Dòng hashtag #ThaiCoup (tạm dịch: Đảo chính Thái Lan) được quan tâm hàng đầu trên mạng xã hội Twitter tại Thái Lan từ hôm qua 10-2.
Không chỉ riêng tài liệu này nhận được sự quan tâm của người chơi mạng tại Thái Lan, một tài liệu chính thức khác cũng được lan truyền rộng rãi.
Điều đáng nói tài liệu này là thật, được rò rỉ hôm 9-2. Đây là một chỉ thị của chính quyền yêu cầu cảnh sát chống bạo động đến bảo vệ các cơ sở trọng yếu ở tỉnh Phichit - một tỉnh nằm ở phía bắc thủ đô Bangkok.
Trước tốc độ lan truyền nhanh chóng mặt, cảnh sát Thái Lan đã ra tuyên bố cho biết đây chỉ là một hoạt động triển khai thường lệ.
Đoàn xe thiết giáp được nhìn thấy trên đường phố ở phía bắc Bangkok - Ảnh: Facebook
Các thông tin xuất hiện cùng thời điểm hình ảnh các xe thiết giáp di chuyển trên đường phố được tung trên mạng. Quân đội Thái Lan sau đó cho biết động thái này nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên "Hổ mang vàng".
Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính quân sự kể từ khi nước này theo thể chế quân chủ lập hiến vào năm 1932, với lần gần nhất là cuộc đảo chính lật đổ bà Yingluck Shinawatra hồi năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận