15/03/2019 09:01 GMT+7

Thủ tướng Thái không phải công chức nên được cho tranh cử

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Quyết định của Văn phòng thanh tra Thái Lan đang gây tranh cãi khi nói đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha không phải là công chức nhà nước nên đủ điều kiện ra tranh cử thủ tướng trong cuộc bầu cử ngày 24-3 tới.

Thủ tướng Thái không phải công chức nên được cho tranh cử - Ảnh 1.

Thủ tướng Prayuth múa điệu truyền thống khi đến thăm tỉnh Khon Kaen ngày 13-3. Nhà lãnh đạo Thái Lan đã nỗ lực thay đổi hình ảnh trong những tháng trước bầu cử - Ảnh: REUTERS

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14-3, Văn phòng thanh tra Thái Lan khẳng định ông Prayuth chỉ đáp ứng hai trong số bốn tiêu chí để được xem là một công chức nhà nước dựa trên các mô tả của Tòa hiến pháp.

Theo đó, một công chức nhà nước được định nghĩa phải là người do dân bầu hoặc được bổ nhiệm, phải làm việc toàn thời gian trong chính quyền, chịu sự giám sát của chính phủ và được nhận lương cho những việc đã làm.

Tuy nhiên, đương kim Thủ tướng Prayuth không thể được coi là một công chức bởi ông được chỉ định vào vị trí đứng đầu chính phủ bởi nhà vua - một động thái vượt trên cả pháp luật và chuyện ông nắm vị trí này là mang tính tạm thời cho đến khi bầu cử dân chủ được tổ chức.

Do đó việc Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) niêm yết ông Prayuth vào danh sách các ứng cử viên thủ tướng là hoàn toàn hợp pháp nên không việc gì phải đưa vấn đề lên Tòa án hiến pháp, Văn phòng thanh tra Thái Lan kết luận.

Ông Prayuth, người từng là tư lệnh quân đội Hoàng gia Thái Lan, đã lên nắm quyền sau cuộc binh biến dẫn tới sự ra đi của bà Yingluck Shinawatra năm 2014.

Đương kim thủ tướng Thái Lan trước đó đã bị cấm đi vận động tranh cử để tránh bị sao nhãng khỏi việc điều hành chính phủ và các công việc khác của đất nước. Ông được Đảng Palang Pracharat thân quân đội đề cử làm ứng viên thủ tướng cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ đảo chính.

Nhiều đơn kiện hoặc khiếu nại đã được gửi lên EC sau động thái của Đảng Palang Pracharat. Tuy nhiên, Srisuwan Janya, một nhà hoạt động xã hội, đã quyết định gửi đơn lên Văn phòng thanh tra với lý do ông không tin vào EC.

Theo luật sư Winyat Chartmontri, Văn phòng thanh tra đang khiến sự việc thêm rối nùi bởi trách nhiệm của nó không phải đưa ra phán xét. Vai trò đó nên được giao cho EC và Tòa hiến pháp.

Ông Khunying Sudarat Keyuraphan, một nhà lãnh đạo quan trọng trong Đảng Pheu Thai của cựu thủ tướng Yingluck, cũng tỏ ra bất bình trước kết luận ông Prayuth không phải công chức nhà nước.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp