Trong ảnh là trái phiếu của Vset Group - doanh nghiệp vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng về vi phạm trong phát hành trái phiếu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công điện số 8857 ngày 3-12 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Công điện nêu rõ thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...
Tuy nhiên thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436.000 tỉ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng hơn 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… Báo cáo kết quả với Thủ tướng trước ngày 15-12.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.
Song song đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Bộ Công an phải phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, cũng trong ngày 3-12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Như Tuổi Trẻ phản ánh trên số báo ngày 3-12 “Siết vốn ngân hàng vào trái phiếu doanh nghiệp: Giá nhà đất sẽ giảm từ việc siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp?”, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đã lạm dụng quá mức hình thức huy động vốn này, phát hành trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành), dẫn đến rủi ro cho thị trường và người mua trái phiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận