Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nâng cao hơn trình độ khoa học công nghệ, năng lực sáng tạo để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị gia tăng cao hơn - Ảnh: LÊ KIÊN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ hai, với chủ đề Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động, diễn ra ngày 19-9.
Theo Thủ tướng, mục tiêu quan trọng nhất của diễn đàn là giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, tìm ra những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt
Khẳng định "Việt Nam không ngừng mơ ước", Thủ tướng nêu lại những năm 1986 khi bước vào công cuộc đổi mới với muôn vàn khó khăn, đến nay kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao, tỉ lệ đói nghèo giảm từ 53% xuống còn 5,23%, tầng lớp trung lưu tăng hơn 15%.
"Những trẻ em sinh ra từ thập niên đầu Đổi mới nay đã trưởng thành. Có những ước mơ trong họ nay đã thành hiện thực, nhiều người có thể đã là thầy cô giáo, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, ca sĩ, vận động viên…, song có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt", Thủ tướng băn khoăn.
Thủ tướng chỉ ra những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt, là khả năng chống chịu với tác động bên ngoài còn yếu, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế.
Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Song Thủ tướng khẳng định những hạn chế yếu kém đó "không làm chúng tôi chùn bước, mà ngày càng có khát vọng, ước mơ hành động".
Chiến lược trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ đưa ra bao gồm gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội cho phát triển nhanh, bền vững; thực hiện Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, gắn kinh tế thị trường hiện đại phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát huy nội lực và giải pháp nguồn lực; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ có sức chống chịu và thích ứng; mở rộng đối ngoại.
Nâng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng
Đặc biệt, đánh giá cao các sáng kiến và khuyến nghị của các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu Việt Nam cần nâng cao năng lực để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam như Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel,… Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, và tỉ lệ nội địa hóa bình quân đạt 33%, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được "tiền lẻ" khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng nhận định không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ.
Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao "quốc lực" để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận