Triển lãm hàng không quốc tế tại Singapore từ ngày 16 đến 21-2 cũng là cơ hội để Singapore thu hút nhân tài - Ảnh: Reuters |
Dễ dàng nhận thấy kế hoạch “bí mật” của Thủ tướng Singapore còn dài hơn chương trình chính là Hội nghị Sunnylands (hai ngày). Điều này nói lên rằng ông dành cho nghị trình này mối quan tâm đặc biệt.
Trang Facebook của ông Lý những ngày qua cập nhật đầy đủ các cuộc gặp gỡ với dàn lãnh đạo cao cấp của thế giới công nghệ: tỉ phú Elon Musk - nhà sáng lập Tesla Motors và SpaceX; Eric Schmidt và Sundar Pichai - lần lượt là lãnh đạo của Alphabet và Google; Tim Cook - giám đốc Hãng công nghệ Apple; Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook...
Trong các cuộc trò chuyện, Thủ tướng Lý không giấu giếm hai mối quan tâm lớn: một là hiện thực hóa dự án “Smart Nation” (Quốc gia thông minh) của Singapore, và hai là làm sao lôi kéo hiền tài về phục vụ đất nước mình.
“Tôi muốn biết họ đang nghiên cứu những thứ mới mẻ gì và làm cách nào công nghệ của họ có thể giúp hành trình “Quốc gia thông minh” của chúng ta” - ông Lý bày tỏ.
Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề trả lương hay tìm việc làm - tự họ có thể tìm việc làm. Nhưng làm sao để tạo ra cùng những thử thách, sự hứng khởi, tính đòi hỏi công nghệ để họ cảm thấy mình đang mở rộng khả năng và làm một công việc có ý nghĩa |
Thủ tướng Singapore LÝ HIỂN LONG |
Thay đổi nhận thức hút nhân tài
Chuyến thăm Thung lũng Silicon của ông Lý Hiển Long ít rình rang hơn một sự kiện chính trị nhưng về mặt nào đó lại khá đặc biệt. Thủ tướng Singapore được giới công nghệ Mỹ đón tiếp không chỉ với tư cách một nguyên thủ quốc gia mà còn là một “đồng nghiệp” rất am hiểu.
Được nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg khen ngợi là “một trong số ít lãnh đạo thế giới biết lập trình”, ông Lý Hiển Long đã vận dụng khéo léo sự am tường này để kết nối với những con người tại đây.
Phát biểu trên tờ Straits Times sau chuyến công du, vị nguyên thủ nhận định những tài năng Singapore đang làm việc tại Thung lũng Silicon có rất nhiều tiềm năng có thể giúp ích cho đất nước.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận việc kêu gọi họ trở về cũng đồng nghĩa với việc Singapore phải mang lại cho các nhân tài những thử thách và cơ hội tương đương những gì họ tìm thấy ở thánh địa công nghệ Mỹ.
“Singapore cần phải thay đổi nhận thức của mình về các kỹ sư nếu chúng ta hi vọng tái hiện thành công Thung lũng Silicon và thu hút những nhân tài Singapore đang làm việc tại đó về quê hương” - ông Lý rút ra kết luận.
Điều gây ấn tượng mạnh với nhà lãnh đạo trong chuyến công du là việc ông nghe đi nghe lại những lời nhận xét, thậm chí từ người Singapore, rằng các hãng công nghệ Mỹ ưu ái kỹ sư hết mực.
“Tại Singapore, người ta không phải lúc nào cũng nhìn nhận nghề kỹ sư như vậy. Họ cho đó là một chức năng hỗ trợ - chẳng hạn máy tính của tôi hư rồi, gọi kỹ sư sửa nó đi. Đó là một nhận thức khác biệt và chúng ta cần phải thay đổi cái nhìn về công việc này cũng như tầm quan trọng của nó đối với chúng ta” - ông Lý nói.
Không rõ một chuyến công du có thể thay đổi quan điểm trị nước của bao nhiêu nhà lãnh đạo, nhưng ông Lý Hiển Long đáng để người ta ngả mũ khâm phục.
Nói là làm, ông thủ tướng tiết lộ Cơ quan Phát triển công nghệ và viễn thông Singapore (IDA) đang soạn thảo các phương án mới chiêu dụ người tài và sẽ sớm công bố rộng rãi.
Tham vọng lớn
Báo Straits Times vừa qua đưa tin IDA thống kê “sơ sơ” Singapore trong năm tới sẽ thiếu khoảng... 30.000 chuyên gia công nghệ thông tin - một con số khủng nếu so với kích thước khiêm tốn của đảo quốc.
Việc Singapore “hút” chất xám từ các nước khác trong nhiều năm qua không có gì là bí mật, tuy nhiên dự án “Quốc gia thông minh” của Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra năm 2014 đang đẩy “lực hút” này lên tầm cao mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chính sách thu hút nhân lực của Singapore, cô Trần Thanh Thư, một nhà nghiên cứu trẻ người Việt thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng (ĐH Kỹ thuật Nanyang - NTU), nhận xét đảo quốc sư tử tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài có chuyên môn.
Trên hết, phải nói đến cơ hội và sự đón tiếp dành cho các chuyên gia là như nhau, không kể xuất thân, tiếp theo là điều kiện nghiên cứu, môi trường làm việc, chế độ lương bổng...
“Môi trường làm việc ở Singapore khá đa dạng về văn hóa, kết hợp với nền kinh tế phát triển nên nhiều người nước ngoài chọn là nơi làm việc. Mặc dù người Việt là thiểu số ở đây nhưng nếu có năng lực thì vẫn có cơ hội phát triển và thăng tiến” - Thanh Thư bày tỏ.
Đầu quân cách đây một năm cho NTU với chuyên môn chính là lĩnh vực năng lượng mặt trời, Thư được phân vào đề án nghiên cứu xe tự hành của Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore với những ưu đãi tốt về điều kiện làm việc cũng như cơ hội đào tạo kỹ năng mới.
Trường hợp bạn trẻ người Việt trên là một ví dụ cho thấy Singapore đã đi đúng hướng trong chính sách con người và phát triển bền vững.
Tháng rồi, Hãng công nghệ Google vừa công bố kế hoạch thiết lập một phân nhánh chuyên về kỹ thuật tại Singapore. Google lý giải sự lựa chọn này do vị trí chiến lược của đảo quốc tại châu Á, sắc dân đa dạng và một nguồn tài năng kỹ thuật dồi dào.
“Singapore rất thích hợp trở thành một trung tâm kỹ thuật chủ chốt” - thông cáo của Google viết.
*Xem ảnh "wefie" của Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được yêu thích
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận