Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiều 30-1 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đó là kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về triển khai nhiệm vụ sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, tổ chức chiều 30-1.
Dừng người Việt Nam qua Trung Quốc
Thủ tướng cho rằng các địa phương còn chưa có tinh thần sẵn sàng cao, nên yêu cầu Ban chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền hạn để xử lý, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng về biện pháp đồng bộ, quyết liệt, ngăn chặn hiệu quả.
Một số biện pháp đưa ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu hoàn thiện, có kịch bản ứng phó với phương án cụ thể. Thành lập những đội phản ứng nhanh để xử lý, huy động lực lượng liên quan, kể cả máy bay đưa đội y tế có kinh nghiệm xử lý kịp thời hơn.
Kết nối 21 bệnh viện được huy động, sẵn sàng huy động quân dân y, các bệnh viện quân đội sẵn sàng khi xử lý; phân công chuẩn bị cho các bệnh viện lớn, đặc biệt là bệnh viện trung ương khi quá tải, hạn chế di chuyển bệnh nhân gây lây lan.
Thực hiện đồng bộ Chỉ thị 05 của Thủ tướng và chỉ đạo của Ban bí thư. Theo đó, cấm hẳn việc đi lại, kiểm chặt trên các đường mòn lối mỏ, dừng người Việt Nam qua Trung Quốc và sơ tán công dân Việt Nam khi cần thiết. Giám sát chặt người Trung Quốc về Việt Nam ăn tết và di chuyển.
Không khuyến khích giao thương, du lịch qua cửa khẩu
Tạm ngừng các hoạt động đưa tour tuyến, du lịch qua lại, ngành hàng không dừng đưa đón máy bay từ vùng có dịch. Ngừng cấp visa cho khách du lịch kể cả các trường hợp khác, trừ công vụ; không khuyến khích giao thương buôn bán qua lại cửa khẩu trong lúc này. Chỉ giao dịch trường hợp khách công vụ được giao nhiệm vụ, hạn chế đến Trung Quốc trừ trường hợp đặc biệt. Với đoàn công tác của ta sang trung Quốc, nếu không thực sự cấp thiết thì hoãn, chuyển kế hoạch.
Các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát y tế chặt chẽ tại cửa khẩu; quân đội công an cần kiểm soát chặt hạn chế tối đa khách du lịch đi các cửa khẩu như Trung Quốc, cửa khẩu đường biên giới và cửa khẩu khác đến Việt Nam. Ngành y tế theo dõi sát sao tình hình sức khỏe người dân từ Trung Quốc, cách ly và quản lý chặt những người có dấu hiệu bệnh.
Tạm dừng giao lưu buôn bán qua lại cửa khẩu, không khuyến khích khách du lịch vào Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tạm dừng các hoạt động khi chúng ta chưa đóng cửa biên giới. Với vai trò Chủ tịch Asean, Việt Nam cũng cần đảm bảo khối này có tiếng nói chung và đồng thuận.
Khuyến nghị đeo khẩu trang
Các địa phương và ban chỉ đạo phòng chống dịch, trên tinh thần chủ động 4 tại chỗ. Các lễ hội trên tinh thần hạn chế tụ tập đông người, các lễ hội chưa khai mạc đều phải xin ý kiến về sự cần thiết tổ chức; học sinh chưa nghỉ học nhưng khuyến nghị đeo khẩu trang.
Đeo khẩu trang trong phạm vi cả nước chưa thực hiện ngay nhưng chỗ đông người nên thực hiện đeo khẩu trang. Bộ Công Thương cần nghiên cứu sản xuất phục vụ nhu cầu và xuất khẩu về trang thiết bị y tế, khẩu trang. Cần tập trung làm tốt hiệu quả hơn về truyền thông, nhưng không để người dân hoang mang mà nhận thức đầy đủ nguy cơ và sự phòng ngừa.
Sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Về tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị pháp lý sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế; Bộ ngoại giao chủ động các biện pháp, công khai minh bạch trách nhiệm và giải pháp của Việt Nam trong phòng, chống dịch. Cần thường xuyên báo cáo Thủ tướng về tình trạng bệnh để có giải pháp kịp thời hơn, có vấn đề lớn báo cáo Bộ Chính trị.
Thành lập ở Văn phòng Chính phủ một Tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra đề xuất, thúc đẩy làm nhanh hơn, không để tình trạng chậm trễ xảy ra. Bộ Y tế cần phải có khuyến cáo đầy đủ, người dân tự phòng vệ trang bị giải pháp để phòng ngừa bệnh.
Dịch bệnh có thể bùng phát, nên Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động phương tiện và điều kiện giảm thiểu thiệt hại.
Có xu hướng người Trung Quốc sang Việt Nam ở lại để tránh dịch
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết từ khi xảy ra dịch, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc bắt đầu sụt giảm mạnh, với khoảng 15% khách dặt phòng bị hủy kể từ 24-1. Hiện các công ty lữ hành lớn của Việt Nam đã chủ động hủy tour, nhưng ở Đà Nẵng vẫn còn 11.700 khách du lịch Trung Quốc, Quảng Ninh còn 9.000 người và ở Khánh Hòa là 3.000 người.
Tuy nhiên, lại xuất hiện xu hướng khách Trung Quốc đi du lịch tự túc vào Việt Nam, một số bộc lộ ý định ở lại Việt Nam hoặc sang nước thứ 3 để tránh dịch.
Dư luận người dân và các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, lái xe du lịch đều bày tỏ tâm lý lo ngại, nhiều trường hợp đã phản ứng gay gắt, đình công, treo biển không phục vụ khách Trung Quốc. Một số đối tượng chống đối đã lợi dụng tình hình này xuyên tạc, kích động, vu cáo, nói xấu Việt Nam bài trừ Trung Quốc trên mạng xã hội.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã phối hợp thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận không gây hoang mang, dao động, khuyến nghị người dân không tập trung chỗ đông người.
Bộ Công an cũng phối hợp kiểm tra chặt chẽ việc xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường bộ, dường không, đường biển, tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam với những người đến từ vùng dịch bệnh, tham mưu chính quyền địa phương thống kê khách du lịch Trung Quốc trên địa bàn để tuyên truyền vận động số du khách này phối hợp cung cấp thông tin về tình trạng sức khoẻ, quê quán, lịch trình.
Bộ cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương của Bộ Công an chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch, tiếp nhận và khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo chỉ đạo của Bộ Y tế…
Cùng với đó là kiểm soát thông tin trên mạng, xử lý ngăn chặn tung tin bịa đặt, hoang tin...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận