Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bồng bé trai con của một công nhân - Ảnh: Hà Mi |
Để đáp ứng tình hình mới, công nhân phải học nữa, học mãi, phải không ngừng rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ. Công nhân cũng phải học thêm cả ngoại ngữ để có thể đi ra thế giới. Nếu chúng ta không học, không tự nỗ lực thì dù ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng sẽ thua thiệt |
Giản dị trong chiếc áo ngắn tay, ngày 30-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến ngày hội tết lao động 2016 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai, ngồi giữa hội trường nói chuyện với công nhân.
Bắt đầu cuộc trò chuyện với 3.000 công nhân đến từ các tỉnh thành (Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu), Thủ tướng nói cuộc gặp gỡ không chỉ có ông mà còn có các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh thành.
“Hi vọng những ý kiến của anh chị em công nhân sẽ trình bày thẳng thắn, mang lại lợi ích tốt đẹp cho công nhân, xã hội, Nhà nước và tổ chức công đoàn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Lo giá tăng, lo thực phẩm bẩn
Công nhân Trịnh Anh Tuấn (Bình Dương) đứng lên hỏi: “Thưa Thủ tướng, thời gian qua có tăng lương và chắc chắn sắp tới cũng sẽ có chính sách tăng lương cho người lao động, nhưng một trong những nỗi lo của công nhân là lương tăng, giá tăng theo. Có cách để bớt đi khó khăn cho người lao động hằng ngày?”.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nói Nhà nước phải có các giải pháp để bình ổn giá. Tổ chức bán lẻ, phục vụ cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho công nhân. Đồng thời hình thành nhiều chợ văn minh, không để tư thương ép giá. Khi điều chỉnh lương tối thiểu, cơ quan chức năng cũng cần giám sát việc tăng lương đúng quy định, kiểm soát tăng giá, không để lương công nhân tăng không kịp với tăng giá.
“Tôi muốn nói với các bạn rằng Chính phủ luôn chú ý việc nâng lương và nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân, để đời sống của công nhân được tốt hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến thu nhập của công nhân, Thủ tướng cho biết: “Trên lối đi vào hội trường, tôi hỏi công nhân về mức thu nhập. Có công nhân nói 5 triệu đồng/tháng, có công nhân nói 10 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, đời sống của công nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn”.
Theo Thủ tướng, khi tăng lương tối thiểu năm 2017, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ xem xét, làm sao đúng với quy định tại Bộ luật lao động và phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công nhân.
Không chỉ chuyện lương, công nhân Trần Thị Hằng Thu (Khu công nghiệp Đồng Xoài II, Bình Phước) hỏi: “Thưa Thủ tướng, hiện nay bữa ăn công nhân chất lượng thấp, thực phẩm bẩn lại tràn lan trên thị trường nên công nhân rất lo doanh nghiệp mua thực phẩm không đảm bảo chất lượng để phục vụ bữa ăn. Làm sao kiểm soát được tình hình này?”.
Cảm ơn câu hỏi chân thành, Thủ tướng nói: “An toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối của chúng ta. Cách đây mấy hôm chúng tôi họp với bí thư các tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh trên cả nước để thực hiện chủ trương an toàn thực phẩm.
Ở đây, công nhân nói ra vấn đề bức xúc của chính chúng ta. Tôi đề nghị chủ tịch công đoàn các cấp, chủ doanh nghiệp phải công khai thực đơn, giá cả bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn 10.000 đồng hay 20.000 đồng, bao nhiêu ngàn đồng đều phải công khai. Không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo, bữa ăn công nhân không bị bớt xén”.
Thủ tướng yêu cầu để có nguồn thực phẩm sạch, phải công bố nguồn gốc thực phẩm mà bếp ăn của doanh nghiệp mua là ở đâu, chợ nào, siêu thị nào. “Không có sức khỏe thì không thể tái sản xuất lao động nên bữa ăn cho công nhân phải sạch. Nơi nào để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm thì chính quyền ở nơi đó phải chịu trách nhiệm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các nữ công nhân về đời sống và thu nhập hiện nay - Ảnh: Hà Mi |
“Nguyện vọng chính đáng”
Đến từ tỉnh Long An, chị Trịnh Thị Mai Thanh nói đến một nỗi lo khác của công nhân là nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân. Chị nói: “Với thu nhập còn thấp như hiện nay thì việc công nhân lao động tích lũy để mua một ngôi nhà nhỏ vẫn là ước mơ. Việc gửi con ở nhà trẻ vẫn là vấn đề bức xúc. Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?”.
Ngay lập tức, Thủ tướng nói Chính phủ đã có những quy định về vấn đề này nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập.
“Tôi xin ghi nhận ý kiến này và yêu cầu các khu công nghiệp, đặc biệt các địa phương xây dựng các khu công nghiệp, phải đi liền với xây dựng các khu nhà ở, xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em công nhân. Nhà nước đã ban hành các chính sách về nhà ở xã hội, chính sách cho vay với mức lãi suất thấp để hỗ trợ nhà ở, nhà trẻ, nhà mẫu giáo.
Tôi đề nghị tất cả các tỉnh thành đẩy mạnh xã hội hóa và Nhà nước hỗ trợ một phần để làm nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em công nhân. Đừng để công nhân của chúng ta lao động cả ngày, thậm chí tăng ca, đi làm tối ngày, dốc hết sức mà con lại thất học. Đây là nguyện vọng chính đáng” - Thủ tướng nói.
Công nhân Nguyễn Tấn Khang hỏi: “Phần lớn công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay đều là những người xa quê và trong độ tuổi thanh niên, nên nhu cầu về giải trí, văn hóa rất lớn sau giờ làm việc. Thủ tướng có định hướng gì để giải quyết vấn đề này?”.
Thủ tướng giải thích nhu cầu giải trí, văn hóa là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và cả công nhân. Chính phủ đã ban hành đề án về phát triển đời sống văn hóa tinh thần. Nhiều địa phương làm tốt như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương nhưng đây vẫn là khâu yếu.
Thủ tướng còn nói trong cuộc nói chuyện với công nhân có trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, bí thư Thành ủy TP.HCM, bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai... Các địa phương, Tổng liên đoàn Lao động VN có trách nhiệm kiểm tra lại đề án này có thực sự đi vào đời sống chưa? “Tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ có hướng khắc phục” - Thủ tướng cam kết.
Công nhân Hồ Hoàng Trung (Đồng Nai) hỏi: “Với cương vị là người cha, người chú, Thủ tướng có lời khuyên nào cho chúng cháu không?”.
Thủ tướng nhắc lại câu “có công mài sắt có ngày nên kim” rồi đề nghị công nhân cần có ý chí, chăm chỉ lao động, ý thức lao động tốt và rèn luyện để nâng cao chất lượng tay nghề. “Nghề nghiệp tốt là vũ khí cho ta vào đời” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Xử phạt nặng doanh nghiệp không đóng BHXH
Anh Phan Thanh Tùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: “Thưa Thủ tướng, hiện nay có doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động khiến công nhân bị thiệt thòi về lâu dài vì khi nghỉ hưu không có lương hưu. Thủ tướng có biện pháp gì để doanh nghiệp phải đóng BHXH đầy đủ cho người lao động không?”.
Thủ tướng nói: “Câu hỏi này đúng và sôi động trong thời điểm hiện nay. Vấn đề này, trước hết theo luật định, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng BHXH. Phần lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt cái này. Nhưng đúng như công nhân nói, có một bộ phận doanh nghiệp không đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân.
Sắp tới đây, theo luật mới, cơ quan BHXH được thanh tra việc đóng BHXH cho người lao động.
Trong đó có một chế tài rất quan trọng là người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù, doanh nghiệp trốn đóng BHXH bị xử phạt đến 3 tỉ đồng. Đây sẽ là hình phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm về BHXH, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân”.
* Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (giám đốc Công ty Beboss Training, TP Biên Hòa, Đồng Nai): Bữa ăn 10.000 đồng thì làm sao chất lượng? “Tôi rất quan tâm câu nói “bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng” của Thủ tướng. Vì sao? Chúng ta có luật hết rồi nhưng việc giám sát, kiểm tra còn những tồn tại nhất định. Đơn cử, tôi từng làm công đoàn nên nghe chuyện công nhân nói thực phẩm bẩn, chất lượng bữa ăn công nhân, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội... không mới. Nó vẫn luôn tồn tại nhiều năm qua. Bây giờ công nhân gặp Thủ tướng lại tiếp tục nêu ra những bức xúc này. Lý do, theo tôi, có một số việc mà công nhân nêu ra đều đã có luật quy định, nhưng đây đó doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ hoặc tối thiểu hóa chi phí nên quyền lợi công nhân bị ảnh hưởng. Một bữa cơm của công nhân 10.000 đồng thì làm sao chất lượng. Đó là chưa kể việc cấp phép an toàn vệ sinh thực phẩm xong rồi nhưng cơ quan chức năng chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, hậu kiểm doanh nghiệp. Tôi cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở mới có thể đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của người lao động bởi họ hiểu chất lượng bữa ăn của công nhân như thế nào”. * Công nhân Trần Thị Mai (Bà Rịa - Vũng Tàu): “Tôi thật sự xúc động...” “Tôi thật sự xúc động khi được Thủ tướng trả lời những việc gần gũi với quyền lợi của công dân và chỉ đạo khắc phục những chuyện còn tồn tại. Việc còn lại là tôi chờ đợi chính quyền, công đoàn giám sát doanh nghiệp thực hiện các chính sách pháp luật về lương, bảo hiểm và chất lượng bữa ăn. Tôi mong đừng bao giờ còn xảy ra các vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận