Chiều 7-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), giáo sư (GS) Klaus Schwab, đã đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội và giao lưu với sinh viên. Buổi giao lưu có chủ đề Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ.
Tham dự chương trình có GS Hilde Schwab - phu nhân GS Klaus Schwab và cũng là người đồng sáng lập Quỹ hỗ trợ doanh nhân xã hội Schwab.
Chuẩn bị cho kỷ nguyên mới
Chia sẻ tại cuộc giao lưu, GS Klaus Schwab đã nêu bức tranh tổng quan về thế giới hiện tại. Ông khẳng định các bạn trẻ là tương lai của Việt Nam và kỷ nguyên thông minh hoàn toàn không trừu tượng, đó sẽ là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sắp sửa sống, lao động và học tập.
GS Klaus Schwab đưa ra những gợi ý Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội phía trước để tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững và bao trùm.
Để Việt Nam bước chắc chắn trong kỷ nguyên mới, người sáng lập WEF cho rằng cần chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng số bởi đây là yếu tố quan trọng và ông tin Việt Nam đã có những chính sách, mục tiêu theo đuổi cụ thể.
Ông gợi ý cần có cơ chế đào tạo liên tục, đào tạo cả đời để chuẩn bị cho mỗi cá nhân trong kỷ nguyên mới, không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Tôi được biết Việt Nam có kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới. Đây sẽ là điều quan trọng giúp Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội mới.
Thế hệ trẻ Việt Nam muốn thành công cần hiểu rằng các em là một thành phần của cộng đồng, của Việt Nam, của cộng đồng quốc tế. Thành công không chỉ đơn giản ở cấp độ cá nhân mà còn được đánh giá qua đóng góp của các em với tư cách là thành phần của một quốc gia và của thế giới nói chung", ông Klaus Schwab nhấn mạnh.
Những lợi thế của Việt Nam
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ Việt Nam - WEF và những đóng góp của GS Klaus Schwab. Người đứng đầu Chính phủ đề cập đến chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos, Thụy Sĩ là "Định hình kỷ nguyên thông minh". Và trùng hợp, cuộc giao lưu của Thủ tướng với Chủ tịch WEF ngày 7-10 cũng có chủ đề đó, tập trung vào người trẻ.
"Tôi cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nói rất tâm đắc với chia sẻ của GS Klaus Schwab về bản lĩnh Việt Nam.
Với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình để thực hiện các mục tiêu trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra ba thách thức lớn với Việt Nam đó là khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp đe dọa đến nhiều vấn đề kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, cũng có những cơ hội với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như cơ hội của người đi sau, nhờ đó có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất.
Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.
Cũng tại sự kiện, phản hồi câu hỏi của các bạn sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS Klaus Schwab đã đưa ra lời khuyên cho thế hệ trẻ chuẩn bị hành trang trong kỷ nguyên mới.
Người đứng đầu Chính phủ khuyến khích sinh viên nói riêng, thế hệ trẻ nói chung cần có khát vọng và ước mơ cùng cả dân tộc, phấn đấu thực hiện các mục tiêu lớn của đất nước trong kỷ nguyên mới bằng cách làm tốt nhất những gì có thể.
"Sự đổi mới của đất nước bắt nguồn từ mùa xuân của tuổi trẻ, với khát vọng, ước mơ, hoài bão, chính các bạn sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên thông minh", Thủ tướng nói và đề nghị các bạn trẻ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành như chip bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận