Một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng
Trong bài phát biểu tại phiên họp trong khuôn khổ G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ba thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển.
Thứ nhất, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực.
Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển; hòa bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
Đối với khu vực, Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và tự cường.
Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bế mạc G7
Sau 3 ngày làm việc tại Hiroshima, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7. Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị chiều 21-5, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh G7 là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố một trật tự quốc tế dựa trên quy định và thúc đẩy hợp tác với các nước Nam bán cầu để cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng Kishida khẳng định với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm G7 trong năm 2023, Nhật Bản sẽ dẫn dắt những nỗ lực của G7 để đạt các mục tiêu được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh Hiroshima.
Trước đó, thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G7 công bố ngày 20-5 đã đề cập những nội dung đáng chú ý như các nỗ lực để tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, phản đối các hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng; kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để giúp chấm dứt xung đột Ukraine; khẳng định sẵn sàng xây dựng với Trung Quốc mối quan hệ ổn định và có tính xây dựng; kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình vấn đề eo biển Đài Loan.
Các nhà lãnh đạo G7 cam kết khởi động cơ chế tăng cường ngăn chặn các hành vi cưỡng ép kinh tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi để cùng đối phó những vấn đề mang tính toàn cầu.
Thông cáo chung nêu rõ các nước G7 cam kết thực thi những nỗ lực để duy trì sự ổn định tài chính và thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng; bắt đầu các cuộc thảo luận về các quy định chung đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối năm; phối hợp để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao sang năng lượng sạch và thúc đẩy tăng cường quyền con người, bình đẳng giới trên toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận