13/01/2023 09:02 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt - Lào không thể thiếu nhau

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc Việt Nam và Lào thắt chặt hợp tác hơn nữa là yêu cầu khách quan, tất yếu, nhưng ông cũng trăn trở vì quan hệ kinh tế và đầu tư chưa tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt - Lào không thể thiếu nhau - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dành cho nhau cái ôm thắm tình hữu nghị sau lễ ký kết các văn kiện liên quan hợp tác hai nước trong năm 2023 tại Vientiane (Lào) ngày 12-1 - Ảnh: DƯƠNG GIANG

Ngày 12-1, trước khi kết thúc chuyến thăm chính thức Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Lào Sonexay Siphandone đã cùng gặp đại diện doanh nghiệp hai nước tại thủ đô Vientiane. Những trăn trở, đề nghị của hai nhà lãnh đạo với doanh nghiệp đã được chia sẻ tại sự kiện này.

Hai sứ mệnh của doanh nghiệp Việt

Bày tỏ xúc động khi thấy hội trường diễn ra cuộc gặp đã không còn chỗ trống với sự hiện diện của đông đảo đại diện doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hy vọng "khí thế" hôm nay sẽ chuyển thành động lực, truyền cảm hứng cho hai bên siết chặt tay nhau hơn nữa.

Ông khẳng định hai nước đã "cùng chung chiến hào" trong lịch sử và giờ là "không thể thiếu nhau", "không thể bỏ nhau". Việc hai nước tăng cường hợp tác là yêu cầu khách quan, song vấn đề là phải cùng nhau làm thế nào để tạo ra của cải vật chất cho hai bên, giúp nhân dân hai nước cùng được ấm no, hạnh phúc.

Mượn câu nói "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" để nói về quan hệ Việt - Lào, Thủ tướng trăn trở khi hợp tác kinh tế và đầu tư hiện chưa tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao. 

Theo ông, cần sự phối hợp giữa hai nước, hai cộng đồng doanh nghiệp để tìm câu trả lời cho vấn đề này. 

Ở cấp độ chính phủ, hai bên cần tiếp tục hợp tác hoàn thiện và ổn định thể chế để doanh nghiệp hai bên yên tâm đầu tư; giữ ổn định chính trị, độc lập và chủ quyền; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; kết nối cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều mặc dù tăng hơn 20% so với năm 2021, song giá trị chỉ đạt khoảng 1,7 tỉ USD. Con số này là rất khiêm tốn bởi dư địa vẫn còn rất lớn. "Tại sao hàng hóa nước khác có ưu thế ở Lào mà hàng hóa Việt Nam lại chưa làm được? Là vì chi phí đầu vào cao do vận chuyển hàng hóa, giao thông chưa thuận lợi", Thủ tướng nêu vấn đề và khẳng định vấn đề này hai chính phủ sẽ cùng lo.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp hai bên cần đồng hành với chính quyền trong việc xây dựng thể chế và pháp luật. "Vì các doanh nghiệp đã trải qua thực tiễn rồi thì sẽ biết rối ở đâu, cần tháo gỡ chỗ nào", ông nói.

Thủ tướng đề nghị khi làm ăn tại Lào, doanh nghiệp Việt Nam phải kinh doanh đúng pháp luật, tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Việc "làm ăn phải có lời" là nhu cầu chính đáng và là sứ mệnh kinh tế, song các doanh nghiệp Việt Nam cần nhớ thêm một sứ mệnh nữa là sứ mệnh chính trị. 

Đó là phải góp phần ổn định chính trị của Lào, nâng cao đời sống của người dân nơi đây, hỗ trợ an sinh xã hội, giúp cho tình hữu nghị ngày càng thắm thiết.

Xây dựng hai nền kinh tế bổ trợ

Cũng tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp hơn 1 tỉ USD cho ngân sách Lào thông qua các nghĩa vụ tài chính và 100 triệu USD cho các hoạt động an sinh xã hội.

"Tôi mong sang năm 2024, nếu chúng ta có tổ chức một hội nghị đầu tư giữa hai nước, thành quả được nhắc đến sẽ nhiều hơn so với những gì chúng ta đã nghe trong hội nghị lần này", ông nói.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh nước này luôn sẵn sàng chào đón doanh nghiệp Việt Nam. Lào khuyến khích đầu tư vào các ngành như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, công nghệ cao, vận chuyển, logistics...

Ông cũng tán thành với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xây dựng nền kinh tế Lào và Việt Nam có tính bổ trợ cho nhau, "tuy hai mà một, tuy một mà hai". Điều này sẽ góp phần hỗ trợ Lào triển khai chiến lược "biến Lào từ quốc gia không giáp biển thành quốc gia kết nối". Chẳng hạn nếu sản phẩm nào của Lào chưa được chế biến sâu, Lào sẽ ưu tiên xuất khẩu sang Việt Nam, Việt Nam có thể chế biến sâu và xuất sang nước thứ ba.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Lào

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng thời là chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào, đề nghị xem xét thí điểm cơ chế thu hút vốn đầu tư vào Lào của các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Lào kinh nghiệm thu hút và quản lý hiệu quả đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ nghiên cứu phương án đầu tư gồm Việt Nam - Lào và các nước tiên tiến trong các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tạo xung lực mới cho quan hệ Việt - LàoChuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tạo xung lực mới cho quan hệ Việt - Lào

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công hết sức tốt đẹp, góp phần tạo xung lực mới cho mối quan hệ hợp tác đặc biệt hai nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp