Đánh giá cao sự phát triển hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược (2013 - 2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác.
Đặc biệt, cần triển khai các nội dung đã nhất trí trong cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron ngày 20-10. Trọng tâm là thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng giữa hai nước có sự kết nối hòa quyện về văn hóa, kiến trúc, hội họa, Việt Nam mong muốn Pháp tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phục dựng, bảo tồn các di tích lịch sử để nâng tầm văn hóa. Thủ tướng cũng đề nghị Pháp thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Tổng thống Macron nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, đánh giá cao triển vọng quan hệ hai nước và hoàn toàn nhất trí rằng hai bên cần phối hợp hiệu quả, toàn diện hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực có tiềm năng.
Ông cho biết sẽ cử một số bộ trưởng sang thăm Việt Nam, cùng trao đổi, phối hợp với các đối tác Việt Nam để rà soát, thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Chính phủ Pháp cũng đã có lộ trình phê chuẩn EVIPA. Đây sẽ là những bước chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng cho chuyến thăm của Tổng thống trong thời gian tới.
Tổng thống Macron hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực nổi bật của Việt Nam trong thực hiện Tuyên bố chính trị về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và khẳng định Chính phủ Pháp sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này.
Trước đó, sáng 2-12 (giờ địa phương), tọa đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cần giảm sự phụ thuộc vào điện than, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, không thể yêu cầu các nước đang phát triển lựa chọn chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế, nên cần xây dựng các công cụ hiệu quả để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
Phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không phủ nhận vai trò của điện than nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn. Quá trình chuyển đổi cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng và tránh gây ra các cú sốc cho người lao động.
Do vậy, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp, huy động tài chính và thúc đẩy hợp tác công tư, hợp tác quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ cảm ơn các nước G7, trong đó có Pháp, đã hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là việc thông qua triển khai Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Ông cũng đề nghị các đối tác tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống quản trị thông minh. Các nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam, khẳng định sẽ hỗ trợ và đồng hành cùng quá trình chuyển đổi năng lượng vì lợi ích chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận