Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu chính trị - kinh tế Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore), nhận định chuyến công du Trung Quốc lần này của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hướng đến thương mại cân bằng hơn
Trong thời gian qua, hợp tác thương mại giữa hai nước là một trong những điểm nhấn. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, và ở chiều ngược lại, từ năm 2020, Việt Nam là nước có quan hệ thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc.
Nhưng cần thấy rằng, trong mối quan hệ này, mức độ thâm hụt thương mại nghiêng về phía Việt Nam khá lớn. Trung Quốc xuất sang Việt Nam những sản phẩm, nguyên liệu có giá trị gia tăng cao.
Ngược lại, Việt Nam xuất những mặt hàng nông sản giá trị gia tăng thấp hoặc là nguyên liệu, nhiều mặt hàng vẫn chưa thực sự được tạo thuận lợi thương mại. Dẫn tới thương mại hai nước đang có sự mất cân đối và rõ ràng đó không phải là quan hệ thương mại mang tính bền vững, có lợi lâu dài cho Việt Nam.
Việt Nam luôn mong muốn quan hệ thương mại cân bằng hơn, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất sang Trung Quốc. Điều này cũng được thể hiện ở các cuộc trao đổi điện đàm trước đó của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lý Cường. Đặc biệt là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc cũng đã đề cập vấn đề làm sao để quan hệ thương mại hai bên mang tính cân bằng, bền vững hơn.
Do đó, tôi cho rằng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng để lãnh đạo hai nước thảo luận cụ thể các cơ chế thuận lợi hóa thương mại, giúp ta tìm kiếm cơ hội để hàng hóa thâm nhập vào Trung Quốc dễ dàng hơn. Vấn đề trước mắt là mong nước bạn đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề kỹ thuật, đặc biệt với hàng nông sản của Việt Nam, duy trì xuyên suốt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước này.
Theo tôi, ưu tiên hàng đầu trong thảo luận của Thủ tướng với người đồng cấp Trung Quốc đó là cần xây dựng, thiết lập một cơ chế minh bạch và ổn định trong chính sách, đặc biệt các vấn đề liên quan tới hải quan, hàng rào phi thuế quan, tiêu chuẩn thị trường...
Ngược lại, chúng ta phải đảm bảo làm sao hàng hóa xuất sang Trung Quốc có chất lượng cao hơn. Ta cần tránh tâm lý cho rằng đây là thị trường dễ tính. Yêu cầu của phía bạn ngày càng cao hơn, nên những thảo luận cần tập trung tạo cơ chế cho hàng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu xuất qua đường tiểu ngạch. Gắn với đó là việc xây dựng các cơ chế hợp đồng, đảm bảo tính pháp lý cao hơn, tránh những bất ổn, rủi ro.
Có một vấn đề rất đáng chú ý, Việt Nam là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Trung Quốc cũng đang nộp đơn tham gia CPTPP. Do đó, đây cũng sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi, thảo luận nhiều về việc Việt Nam có thể phối hợp với Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác trong cơ chế đa phương, từ đó tạo thuận lợi hóa thương mại hơn.
Thu hút dòng vốn chất lượng cao
Trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" mà Trung Quốc đang triển khai, những dự án đầu tư ở Việt Nam ít hơn so với các nước trong khu vực. Đúng là chúng ta đã từng có những dự án chưa hiệu quả, nhưng cần phân tách ra rõ ràng câu chuyện đầu tư Trung Quốc gồm có vốn nhà nước và vốn tư nhân.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vốn phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics và thực hiện chuyển đổi năng lượng thì việc thu hút vốn luôn cần thiết. Tuy nhiên, nếu ta có thể trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc, thiết kế nguồn vốn đầu tư liên quan tới cơ sở hạ tầng, có sự tham gia của Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc là thành viên sáng lập, Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này để phát triển.
Đó là vấn đề lớn về dài hạn mà chúng ta có thể nghĩ tới khi Thủ tướng thảo luận trong các hoạt động thăm chính thức và dự Hội nghị WEF.
Chúng ta có thể cân nhắc lựa chọn các dự án từ nguồn vốn nhà nước, nhưng với nguồn vốn tư nhân, nếu chúng ta biết tận dụng thì cũng sẽ rất tốt. Trước đây khi thu hút vốn, ta ưu tiên giá rẻ và Trung Quốc luôn là bên thắng.
Do vậy, việc triển khai dự án là trách nhiệm của nhà đầu tư nhưng cũng là trách nhiệm của phía giám sát. Chúng ta cần phải cải thiện hơn hệ thống giám sát, xây dựng khuôn khổ pháp luật rõ ràng và chặt chẽ thì tôi cho rằng tận dụng nguồn vốn này sẽ hiệu quả hơn.
Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm
Thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết hai nước sẽ thảo luận về các cách thức và các bước hành động dựa trên nhận thức chung của các nhà lãnh đạo cấp cao, đồng thời trao đổi quan điểm về việc tăng cường hợp tác liên quan sáng kiến "Vành đai, Con đường", thúc đẩy kết nối cũng như ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp.
"Chúng tôi tin rằng chuyến thăm này sẽ củng cố hơn nữa đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực", bà Mao nêu.
BÌNH AN
Ngay sau khi đến Trung Quốc, chiều 25-6 Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc.
Lễ đón chính thức và hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lý Cường sẽ diễn ra vào ngày 26-6.
Tiếp đó là chương trình Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận