29/05/2021 08:15 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tiếp cận mọi khả năng để mua vắc xin

TIẾN LONG - KIM ÚT
TIẾN LONG - KIM ÚT

TTO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần 'chống dịch như chống giặc'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tiếp cận mọi khả năng để mua vắc xin - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần 'chống dịch như chống giặc'.

Ngoài việc kết nối trực tuyến về các điểm cầu là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hội nghị còn được kết nối về các huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Đây là một động thái mới khi có nhiều ca nhiễm mới liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

"Tình hình khác thì phải có giải pháp mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn"

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã vào cuộc một cách mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định tình hình mới diễn biến phức tạp hơn, do vậy phải có biện pháp phòng, chống dịch tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thần tốc hơn mới đẩy lùi, kiềm chế việc bùng phát dịch, đặc biệt tại các thành phố, các khu công nghiệp lớn. 

“Tình hình khác thì phải có giải pháp mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Tinh thần là thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn, chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay thế giới đang thiếu vắc xin. Tất cả các quốc gia đang lo tìm kiếm vắc xin và xem đây là một trong những giải pháp chủ động tấn công dịch COVID-19.

Do vậy, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, đến huy động các doanh nghiệp, nguồn lực khác để tiếp cận bình đẳng mua được vắc xin.

Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Đồng thời, giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Ngoại giao bằng mọi biện pháp tìm mua công nghệ.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền về tổ chức tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên cho các lực lượng, địa bàn hợp lý, hiệu quả. Giải thích cho nhân dân hiểu việc tiêm vắc xin là một trong những biện pháp tấn công chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tiếp cận mọi khả năng để mua vắc xin - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát hiện chủng virus corona mới lai giữa chủng Ấn Độ và Anh

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay xuất hiện nhiều ổ dịch lớn cùng một lúc ở một số tỉnh, thành phố. Hình thái lây nhiễm nổi trội nhất trong thời điểm hiện nay là lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp ra cộng đồng và từ cộng đồng lây ngược lại khu công nghiệp. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay qua giải trình tự gen virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng của Ấn Độ đang phổ biến nhất, chủng Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương khác. 

Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, cơ quan y tế phát hiện chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Theo đó, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.

"Tới đây chúng tôi sẽ công bố trên bản đồ gene thế giới", bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tiếp cận mọi khả năng để mua vắc xin - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích cụ thể tình hình tại 4 địa phương dịch đang phức tạp.

Tại Bắc Giang, số lượng mắc mới nhiều và có nguy cơ tăng liên quan đến khu công nghiệp. Ông Long nhận định những ngày tới đây Bắc Giang sẽ tiếp tục có những ca mắc mới. Việc Bắc Giang dồn lực chống dịch sẽ giúp kiểm soát nhưng không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm cao ở các khu công nghiệp do mật độ công nhân đông, trong khi không gian nhà xưởng, công ty… có trần thấp, không khí kém, công nhân dùng chung nhà vệ sinh, đi xe chung và có trường hợp ở trọ chung.

Tại Bắc Ninh, những ngày gần đây thường xuyên có 50-100 ca mới mỗi ngày. Tuy nhiên các ca mới này hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc ở trong khu công nghiệp đã được phong tỏa. Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có khả năng phức tạp hơn.

Tại TP.HCM và Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các biện pháp bài bản, chủ động của hai thành phố để phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, truy vết nhanh. Đây là cách làm đúng đắn, nâng cao mức độ chống dịch để cố gắng kiểm soát tốt tình hình.

Theo Bộ trưởng, hiện việc lây nhiễm ở các bệnh viện có giảm, nguy cơ lây nhiễm ở các khu công nghiệp là cao nhất. Do vậy phải tìm giải pháp làm sao để phòng, chống dịch hiệu quả trong các khu công nghiệp. Đây là việc rất quan trọng vì trường học có thể cho học sinh nghỉ hạn chế lây nhiễm nhưng ở các khu công nghiệp khó cho công nhân nghỉ.

Từ đó, ông Long đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đặt mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt các khu công nghiệp. Thực hiện phương án giãn cách, kế hoạch phòng, chống dịch cho từng nhà máy, khu công nghiệp. Đồng thời, lên kế hoạch giãn cách sản xuất, cần thiết có thể thực hiện ngay ở những khu, khâu sản xuất có nguy cơ cao.

Tăng cường quản lý công nhân tại nơi làm việc, phương tiện giao thông và tại nơi cư trú. Nếu không, chỉ 1 ca dương tính có thể lây nhiễm ngay cho toàn bộ khu công nghiệp.

Mặt khác, theo ông Long, điểm mới trong phòng, chống dịch hiện nay là xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng bằng test nhanh kháng nguyên. Từ việc xét nghiệm nhanh 15.000 mẫu ở Bắc Giang cho thấy kết quả và hiệu quả chấp nhận được. Có một số trường hợp nhầm nhưng "thà nhầm còn hơn bỏ sót".

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị các đơn vị xét nghiệm sàng lọc thường xuyên. Đơn vị có điều kiện thì xét nghiệm sàng lọc nhiều, nếu không cũng cố gắng đạt được 20% số người được xét nghiệm.

Riêng hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tình hình diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài ngày tới. Do vậy, hai tỉnh tùy tình hình thực tế có thể áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên phạm vi rộng hơn.

Bắc Ninh: Chuẩn bị các khu cách ly sức chứa 20.000 người

Trao đổi tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết thách thức, khó khăn lớn nhất tại Bắc Ninh là ngăn không để lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Do vậy, toàn hệ thống chính trị Bắc Ninh đang tập trung lo dập dịch, triển khai ngay toàn bộ các biện pháp để bảo vệ các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Bà phân tích: khu công nghiệp ở Bắc Ninh có nguy cơ lây nhiễm cao do các khu công nghiệp ở Bắc Ninh lớn hơn Bắc Giang, số lượng công nhân cũng gấp đôi. Mặt khác, ổ dịch lớn nhất Bắc Giang hiện nằm gần Bắc Ninh. Rất nhiều công nhân, lao động của Bắc Ninh đang sinh sống tại Bắc Giang.

"Hiện nay mật độ công nhân tập trung ở một số địa phương của Bắc Ninh rất lớn, nguy cơ lây nhiễm đối với công nhân rất khủng khiếp, không tưởng tượng nổi nếu không ngăn chặn được lây nhiễm trong cộng đồng", bà Lan nói.

Bà Lan cho biết Bắc Ninh đã chuẩn bị các khu cách ly sức chứa khoảng 20.000 người, 5 bệnh viện dã chiến quy mô từ 300-500 giường.

Mặt khác, tỉnh giao các cơ quan chức năng các xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức độ dịch cao nhất, chủ động tiến hành ngăn chặn, thần tốc nhất có thể. Nâng cao công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp/ngày lên 40.000-50.000 mẫu/ngày.

Ngoài ra tăng cường test nhanh đối với bệnh nhân đến khám ở các cơ sở y tế, tại chợ và cộng đồng. Theo bà Lan, sắp tới Bắc Ninh sẽ duy trì giải pháp vừa sản xuất vừa chống dịch.

Bắc Giang xây dựng thêm khu cách ly với 6.000 giường

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tiếp cận mọi khả năng để mua vắc xin - Ảnh 4.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: VIỆT NGA

Trao đổi tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh đã lấy mẫu ở những nơi có nguy cơ cao như chợ, bến xe… đến nay chưa phát hiện ổ dịch mới.

Hiện Bắc Giang đã thực hiện xét nghiệm 750.000 mẫu với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan. Tỉnh đã bố trí 282 khu vực cách ly, công suất 24.000 người. Hiện nay đã sử dụng 174 khu cách ly, còn 108 khu với công suất 9.000 người.

Tỉnh đang triển khai phương án xây dựng thêm khu cách ly với 6.000 giường, đồng thời đang xây dựng mô hình công nhân an toàn, giao thông an toàn, doanh nghiệp an toàn và sản xuất an toàn.

Tỉnh thành lập 35 tổ công tác đánh giá điều kiện hoạt động doanh nghiệp, qua đó phát hiện 6 doanh nghiệp có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hướng dẫn doanh nghiệp đảm bảo an toàn khi đi vào hoạt động.

Ngày 27-5, khi tiếp nhận 30.000 liều văc xin, tỉnh ưu tiên cho các tuyến đầu chống dịch, các công nhân và các công ty sắp đi vào hoạt động.

Trong hôm qua 28-5, tỉnh đã tiêm được 2.000 liều. Ngoài ra, tỉnh đã làm sạch các ổ dịch, rà soát xét nghiệm lần 3, 4 đối với các khu có nguy cơ cao, đặc biệt là khu phong tỏa.

Tập trung các biện pháp lấy mẫu ở khu cộng đồng dân cư, kiên quyết không để dịch lây lan, với tinh thần hỗ trợ để các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch tại TP.HCM

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, về tổng thể đang kiểm soát được tình hình nhưng cục bộ có một số địa phương đang khó khăn, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Nguyên nhân theo Thủ tướng có cả khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên có việc một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch đã lơ là, chủ quan. Một số địa phương không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để đưa ra giải pháp phù hợp giải quyết ngăn chặn dịch ngay từ đầu. Cùng với đó, một bộ phận người dân lơ là, thiếu cảnh giác, không chấp hành nghiêm việc phòng chống dịch.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần chống dịch như chống giặc. Theo đó, lúc này phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn để dập dịch. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, bản lĩnh khi có dịch...

Thủ tướng đề nghị các địa phương phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Tinh thần, thời gian trước mắt, Thủ tướng giao Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ngoài công việc được giao sẽ trực tiếp chỉ đạo việc phòng, chống dịch tại TP.HCM. Tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ dạo phòng chống dịch và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tại Hà Nội, ngoài Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp điều hành, chỉ đạo còn có các bộ ngành phối hợp hỗ trợ.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là địa phương trọng điểm với tinh thần "3 không" là: không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách, vật tư, sinh phẩm….

Đồng thời, các địa phương phải phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch với phương châm 5K + vắc xin + công nghệ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch. Các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh và cư trú trái phép. Huy động moi nguồn lực cho phòng chống dịch.

"Qua đây tôi cũng kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong điều kiện có thể đóng góp trí tuệ, ý kiến, tiền của, phương pháp, thậm chí cả các quan hệ để mua vắc xin, chuyển giao công nghệ…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp tâp trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, doanh nghiệp. Bộ Y tế phải huy động nguồn lực từ các trường y để thay nhau hỗ trợ lực lượng y tế.

Cuối cùng, theo Thủ tướng, dù phòng chống dịch vẫn phải tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ.

Đề nghị các địa phương quan tâm đến công nhân

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Lao động - thương binh và xã hội nhận định đời sống người lao động ảnh hưởng rất lớn. Có đến 9,1 triệu người lao động và 19,9% người kinh doanh bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó đời sống khu vực hàng không, dịch vụ trong đợt bùng dịch lần thứ 4 càng khó khăn. Giai đoạn này các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều, vì vậy đề nghị các địa phương có các khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, TP.HCM… quan tâm đến công nhân, quản lý công nhân ở cả hai chiều.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội kiến nghị Thủ tướng ưu tiên tiêm phòng cho công nhân ở các địa phương.

Cũng theo vị này, theo khảo sát có 6% trẻ em, 4.083 em trong độ tuổi từ 0-16 tuổi đang nằm trong diện cách ly F1. Do vậy, bộ đề nghị các địa phương chăm lo đến đời sống các cháu, nhất là khi bố mẹ các em được đưa đi cách ly riêng.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em sẽ hỗ trợ cho Bắc Giang và Bắc Ninh, Điện Biên mỗi tỉnh 1 tỉ đồng để hỗ trợ chi phí ăn uống của các em trong thời gian cách ly.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi. Ông đánh giá nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao.


TIẾN LONG - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp