Hơn 6h sáng 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên chuyên cơ, vẫy tay chào những người ra tiễn tại sân bay Nội Bài. Ít lâu sau đó, máy bay cất cánh, đưa ông cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thành phố Kazan của Nga.
Đây sẽ là nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng hơn 30 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế khách mời tham dự các hoạt động của hội nghị BRICS mở rộng năm 2024.
Nâng cao hơn nữa tiếng nói của Việt Nam qua BRICS mở rộng
Chuyến đi lần này đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng đến Nga trên cương vị mới, cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự hội nghị BRICS mở rộng ở cấp người đứng đầu Chính phủ.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác Nga lần này là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ngoài ra còn có phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thứ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Đại sứ Việt Nam tại Nga cũng trong đoàn tháp tùng.
BRICS là tên viết tắt theo tiếng Anh của các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, là một nhóm đại diện cho các nền kinh tế mới nổi của thế giới.
Ngày 1-1-2024, BRICS công bố 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hội nghị tại Kazan lần này là hội nghị đầu tiên sau khi BRICS mở rộng thành viên.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, "là sự khẳng định mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam" trong giải quyết các vấn đề chung của nhân loại.
Đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong nỗ lực góp phần vun đắp hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trên thế giới.
Sự tham gia của Việt Nam trong việc cùng thảo luận với các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế mới về những vấn đề đang đặt ra để đóng góp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cũng như "tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, tầm vóc của Việt Nam đối với các vấn đề phát triển của nhân loại", bà Hằng nói thêm.
Tiếp nối quan hệ truyền thống Việt Nam - Nga
Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị BRICS mở rộng trong thời gian Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch BRICS còn phát đi thông điệp về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Nga.
Đó còn là sự tiếp nối và phát huy hiệu quả mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và tôn trọng lẫn nhau.
"Trong khuôn khổ hội nghị, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp chính thức với lãnh đạo cấp cao, cũng như các đối tác, các tập đoàn kinh tế lớn của Nga", Đại sứ Đặng Minh Khôi nói thêm.
Đây là dịp để hai bên thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua. Cũng theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, dự kiến lãnh đạo hai nước sẽ tập trung trao đổi về những phương hướng lớn trong hợp tác song phương trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga vào đầu năm 2025.
Về quy mô kinh tế, BRICS quy tụ được nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, hiện BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mì, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới.
Đồng thời, quy mô và sức mạnh kinh tế của BRICS được tăng cường với hoạt động của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) từ năm 2015 và Quỹ dự trữ - dự phòng BRICS (CRA). Các nước thành viên BRICS đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận