05/05/2024 15:24 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 5 từ khóa để vùng Đông Nam Bộ phát triển

Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả. Đi đôi với đó là cơ chế chính sách thông thoáng, đổi mới, hiện đại và hạ tầng chiến lược phát triển nhanh là cách làm để vùng Đông Nam Bộ phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị lần thứ 3 hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị lần thứ 3 hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 5-5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lần thứ 3 của hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ phải phát triển sớm và mạnh hơn các vùng khác

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vùng Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển sớm và mạnh mẽ hơn so với khu vực khác. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, cắt bỏ những thứ rườm rà.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng Đông Nam Bộ đang phát triển tốt nhưng chưa đáp ứng được tiềm năng, vị thế và mong mỏi của cả nước. Trong đó, hạ tầng còn thiếu tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng và các vùng xung quanh. Ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề lớn, cần phải giải quyết, nhất là TP.HCM.

Về triển khai quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được công bố, Thủ tướng cho rằng quy hoạch xác định tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng, từ đó có sự ưu tiên phát triển. Nhưng muốn ưu tiên thì phải có cơ chế, chính sách. Đồng thời, quy hoạch cũng chỉ ra những thách thức, bất cập cần hóa giải bằng cơ chế, chính sách ưu tiên.

Nghị quyết 24 đã xác định rõ chủ trương, đường lối, nhiệm vụ của vùng Đông Nam Bộ. Thủ tướng cho rằng vấn đề bây giờ là xác định cách làm.

Ông đưa ra các từ khóa: tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả. Đi đôi với đó là cơ chế chính sách thông thoáng, đổi mới, hiện đại, hạ tầng chiến lược phải phát triển nhanh. Đồng thời, cách quản trị phải thông minh, phù hợp với xu thế phát triển mới.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Song song với đó làm mới các động lực cũ gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và bổ sung các động lực mới gồm kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực.

Ông cho rằng để có nguồn lực phát triển cho vùng, phải huy động tổng thể từ nguồn lực trung ương, nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội, nguồn vốn FDI, vốn hợp tác công tư, các cơ chế đổi mới, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư...

Đẩy mạnh các dự án trọng điểm, có tính liên kết

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ ngành, tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ tham dự hội nghị sáng 5-5 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ ngành, tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ tham dự hội nghị sáng 5-5 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rõ các nhóm nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển vùng. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.

Tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng như thương mại điện tử, trung tâm logistics, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ… và Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.

Bên cạnh đó, cần đầu tư các dự án động lực, trọng điểm, tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển. Tập trung triển khai các dự án mới như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hạ tầng đường sắt, đường thủy…

Bên cạnh đó, Thủ tướng còn yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động điều phối vùng, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù.

Giao tiến độ cụ thể từng dự án

Chỉ đạo triển khai các dự án cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng, hình thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.

Về cảng Cần Giờ, cơ sở chính trị, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung vào quy hoạch cảng biển trong vòng 10 ngày.

Về dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo dự án đủ điều kiện để Thủ tướng quyết định chủ trương dự án, hoàn thành trước ngày 15-5.

Về dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan Quốc hội trong quá trình thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30-4-2025 và đẩy nhanh tiến độ một số dự án cao tốc, nhất là tuyến TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tại sao phải phân biệt ngân sách trung ương và địa phương khi làm đường cho dân

Riêng về dự án vành đai 4, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất của UBND TP.HCM, giao UBND TP.HCM hoàn thiện báo cáo, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm phương án cân đối nguồn vốn, tinh thần là huy động cả vốn trung ương và địa phương, nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu Chính phủ…

Nói thêm về việc các địa phương xin trung ương hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4 nhưng thiếu cơ chế, Thủ tướng nhìn nhận sự hỗ trợ của trung ương cho các địa phương vẫn còn vướng Luật Ngân sách. Ông cho rằng cần đề xuất sửa luật này.

"Đã là ngân sách nhà nước thì bao gồm của trung ương và địa phương, sao lại phân biệt ra. Đường vành đai 4 hay các đường cao tốc là đường của trung ương? Đây là đường của Nhà nước, đường của nhân dân, đường của dân tộc. Chính tư duy lạc hậu kéo lại sự phát triển mà chúng ta phải bứt phá ra", Thủ tướng nói.

Vốn giải phóng mặt bằng vành đai 4: Các tỉnh xin hỗ trợ từ 50-75%, riêng TP.HCM Vốn giải phóng mặt bằng vành đai 4: Các tỉnh xin hỗ trợ từ 50-75%, riêng TP.HCM 'tự cân đối'

Do có khó khăn về ngân sách khi thực hiện dự án vành đai 4, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đề nghị trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng, Long An đề nghị 75% vốn, còn TP.HCM xin tự cân đối vốn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp