Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Sau khi nghe các tham luận của các bộ ngành, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trưa 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận về những "đột phá mới", "giá trị mới" để thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Hiệu quả là hài hòa lợi ích, cùng nhau chia sẻ rủi ro
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả". Thủ tướng giải thích rõ nội hàm của "hiệu quả" là hài hòa lợi ích giữa các bên, nếu có khó khăn, rủi ro thì cùng nhau chia sẻ. Thủ tướng cũng đề nghị chính sách nếu có thay đổi thì phải có điều khoản chuyển tiếp để xử lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro - Ảnh: Đ.H.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những thách thức mà vùng Đông Nam Bộ đã và đang phải đối diện. Đó là phát triển chưa bền vững, tắc nghẽn giao thông, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo.
Đáng chú ý đó là kết nối hạ tầng chiến lược chưa đầy đủ, toàn diện, cũng như nguồn lực chủ yếu vào nhà nước, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chưa ngang tầm với vị trí của vùng.
Từ đó, Thủ tướng khẳng định đường hướng phát triển của vùng Đông Nam Bộ phải nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và bền vững, phải có trí tuệ, bản lĩnh, có tính nghệ thuật. Để làm được những gì tốt nhất cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích rõ những nội hàm của chín chữ "tư duy mới - đột phá mới - giá trị mới".
Lấy người dân làm chủ thể của sự phát triển
Theo đó, tư duy mới là phải tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, dựa vào nội lực và nội lực kết hợp với ngoại lực. Là phải chủ động tích cực hội nhập sâu rộng toàn diện nhưng phải hiệu quả. "Lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, mọi người dân phải tham gia xây dựng và thực thi chính sách một cách dân chủ, công bằng và bình đẳng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều người dân các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ đến Vũng Tàu tắm biển trong dịp lễ, Tết - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Về đột phá mới, Thủ tướng nói rõ đó là cách thức, phương thức huy động nguồn lực và phải có cơ chế chính sách đột phá vì cơ chế chính sách là tiền, là nguồn lực. "Vướng cái gì phải đề xuất rõ, phân cấp ra mà xử lý, cá thể hóa trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đồng tình với một trong những khâu đột phá mới là phải có trung tâm tài chính để huy động nguồn lực. Việc này, Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Thủ tướng cũng đồng tình với đề xuất của chủ tịch UBND TP.HCM trong việc phải thành lập "Quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược" và giao cho Bộ Tài chính cùng Bộ Giao thông vận tải chủ trì.
"Giao phải làm, nếu không làm thì mất đi hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đường giao thông xanh sạch đẹp tại một vùng nông thôn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Từ đó, Thủ tướng chỉ ra nội hàm của chữ "giá trị mới". Đó là vùng Đông Nam Bộ phải phát triển nhanh hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người phải bằng các nước trong khu vực và quốc tế. Đó là hạ tầng kết nối phải tốt nhất cả nước.
Đặc biệt phải khắc phục được tồn tại mà nhân dân bức xúc khi môi trường sống bị ô nhiễm. "Giá trị mới lớn nhất là góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Tôi rất tin tưởng TP.HCM và năm tỉnh sẽ thực hiện được nghị quyết 24" - Thủ tướng gửi gắm.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ ra những đột phá mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển văn hóa, giáo dục phải ngang tầm với chính trị - kinh tế - xã hội để góp phần hoàn thiện con người Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận