14/12/2016 08:42 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lắng nghe để hành động hiệu quả, thực chất

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu trong và ngoài nước đã tham dự hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VIỆT DŨNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Hội nghị diễn ra chiều 13-12 tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao phối hợp với nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức.

Khơi dậy nhiệt huyết của trí thức

Tham dự hội nghị có GS Ricardo Hausmann - giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế của Đại học Harvard và GS của Trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản), PGS.TS Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Mỹ), giám đốc chương trình Sáng kiến Việt Nam và nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng của Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Singapore và Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết trong bối cảnh Việt Nam đang đứng ở ngã rẽ quan trọng trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng, thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động đã trở thành lực hút khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết của đông đảo trí thức Việt Nam trên toàn cầu, những người rất quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam và mong muốn tham mưu cho Chính phủ trong công tác hoạch định chính sách.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới hiện nay rất khó đoán và do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên mọi sự biến động của thế giới đều ảnh hưởng đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong điều kiện khó khăn như vậy, tinh thần của Chính phủ Việt Nam vẫn là quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra vì nếu tăng trưởng thấp thì nợ công và nhiều vấn đề khác như giải quyết công ăn việc làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Có một thực tiễn và cũng là nút thắt mà chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến chia sẻ chân thành và cởi mở của các chuyên gia hôm nay chính là vấn đề thể chế. Làm thế nào để tháo gỡ vấn đề khó khăn này?” - người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, các đại biểu tập trung thảo luận ba chủ đề chính của hội nghị bàn tròn lần này bao gồm: “30 năm công nghiệp hóa: Việt Nam đang ở vị trí nào trong mạng sản xuất và giá trị toàn cầu?”, “Chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng ở Việt Nam như thế nào?”.

Phá bỏ điểm nghẽn

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại hội nghị, GS Ricardo Hausmann có bài trình bày về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia.

Mô hình này không chỉ đánh giá theo ngành, hàng mà còn giúp đánh giá lợi thế theo vùng miền, địa phương, từ đó đóng góp “kiến thức” đầu vào cho quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành, hàng, quy hoạch vùng miền hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Trong khi đó, PGS Trần Ngọc Anh đã chỉ ra những điểm nghẽn đang tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam hiện đại.

Những điểm nghẽn này rõ ràng đang cản trở Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững cần phải được phá bỏ.

PGS Trần Ngọc Anh khuyến nghị Chính phủ cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp tích cực của các chuyên gia, học giả quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề Việt Nam đang theo đuổi và còn nhiều trăn trở.

Thủ tướng nhấn mạnh chính phủ hiện tại là chính phủ “lắng nghe”, lắng nghe người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học quốc tế, trong nước, lắng nghe để hành động hiệu quả, thực chất hơn.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành tham khảo và nghiên cứu các đề xuất của các chuyên gia, học giả; đề nghị duy trì kênh đối thoại thường niên giữa trí thức quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài với Chính phủ để cùng chung tay xây dựng đất nước, hỗ trợ Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phá bỏ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh đổi mới, hướng tới tương lai.

Bẫy gia công

GS Trần Văn Thọ, trong tham luận của mình về chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam cho giai đoạn mới, đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hóa vừa theo diện rộng vừa đi vào chiều sâu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ, đang là mối quan tâm, trăn trở của các nhà hoạch định chính sách.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp