05/05/2019 13:49 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Sáng 5-5, đúng vào dịp Tháng công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực thuộc 23 tỉnh, thành trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân kỹ thuật cao - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đây là lần thứ tư Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ người lao động kể từ lần gặp gỡ đầu tiên với 5.000 công nhân lao động năm 2016.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động - thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng có mặt để trao đổi với anh chị em công nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp - Video: QUANG ĐỊNH

Trước đó, 43 kiến nghị của công nhân kỹ thuật cao đã được chuyển đến Thủ tướng và tại buổi gặp gỡ đã có 21 ý kiến từ công nhân và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành.

Bài toán đào tạo và các cơ chế để hỗ trợ công nhân có môi trường để sáng tạo, biến các sáng kiến, ý tưởng từ quá trình lao động sản xuất thành hiện thực là chủ đề chính được đề cập nhiều nhất tại cuộc gặp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 3.

Công nhân kỹ thuật cao nêu kiến nghị tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Anh Nguyễn Xuân Quang - Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, với 28 năm làm trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới - cho rằng "chúng ta đã thua ngay từ đầu", khi thực tế hiện nay sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Đào tạo còn nặng về lý thuyết, sinh viên về cơ sở phải đào tạo lại.

Theo anh Quang, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách thúc đẩy gắn kết thực chất giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải xây dựng hạt nhân kỹ thuật cao để kết nối với cơ sở đào tạo, làm việc với các trường đại học địa phương, có sự tương tác mang lại hiệu quả nhất định.

Các ý kiến của công nhân kỹ thuật cho rằng trong điều kiện khoa học công nghệ liên tục thay đổi và phát triển như hiện nay thì công nhân không thể chỉ tự học như trước kia mà cần phải có cơ sở đào tạo, có giáo trình... Đồng thời, các sáng kiến của công nhân cũng cần phải được trân trọng để được nuôi dưỡng và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) - cho biết cách thức tuyển dụng hiện nay của công ty là tìm đến các trường đại học, cao đẳng để tuyển dụng.

"Những người được tuyển dụng không thể bắt tay vào làm việc ngay dù đầu vào đều tuyển kỹ sư từ trung bình - khá. Hầu hết họ đều ngỡ ngàng với những hệ thống máy móc, thiết bị thực tế. Phải mất 1-2 năm để đào tạo lại. Đến lúc này những gì họ học với công việc thực tế họ làm mới kết nối với nhau", bà chia sẻ.

Ngoài ra, các rào cản để công nhân kỹ thuật cao có thể tiếp tục phát triển như quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng được đặt ra. 

Trước trăn trở cuả công nhân kỹ thuật về chất lượng đào tạo nghề, lãnh đạo các bộ cũng trao đổi với người lao động về những đề án, chính sách tập trung vào việc đổi mới chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp, chính sách đào tạo lại và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi mà công nhân cũng có thể tìm đến để được hỗ trợ phát triển, thực hiện các ý tưởng, sáng kiến của mình.

Tuy nhiên, các đại biểu cùng đồng tình rằng đào tạo để hiệu quả phải bắt đầu từ chính doanh nghiệp, từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình đào tạo.

"Các chính sách hỗ trợ để đi cùng doanh nghiệp đã được định hình nhưng nhân vật chính phải là doanh nghiệp, doanh nghiệp phải coi đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là vũ khí để cạnh tranh. Từ đó chăm lo cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh nói.

Ông Chu Ngọc Anh dẫn câu chuyện của ôtô Trường Hải, nơi có một trung tâm đào tạo do các kỹ sư của công ty phụ trách đã làm rất tốt chuyện tự đào tạo.

Ông Dương Trí Thành - tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết đối với một doanh nghiệp đặc thù như Vietnam Airlines, doanh nghiệp phải xác định là tự đào tạo, xây dựng giáo trình bay… Vietnam Airlines đã thành lập trung tâm huấn luyện bay và Công ty CP Bay Việt để đào tạo, đồng thời đưa người ra nước ngoài học tập, huấn luyện.

Đại tá Ngô Minh Thuấn - tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - cũng cho biết đơn vị này đã xây dựng thành doanh nghiệp tự học tập, với chi phí đào tạo lại hằng năm từ 20-25 tỉ đồng, thực hiện đào tạo và đào tạo lại liên tục, đặc biệt là đào tạo tại chỗ, điều động nhân viên làm việc tại nhiều vị trí khác nhau, gửi người lao động đi đào tạo tại nước ngoài...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 4.

Đại tá Ngô Minh Thuấn - tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - nêu ý kiến - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu tại cuộc gặp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận rằng đào tạo hiện nay chưa sát với nhu cầu. Ông Nhân cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp phát triển nhanh hiện nay như REE, Vietnam Airlines đều phải chủ động lo nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực.

Chủ trì buổi gặp gỡ công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao, coi đây là tài nguyên, vốn quý của dân tộc, quốc gia khi mà thế giới đã thay đổi việc tuyển dụng người sở hữu bằng cấp sang tuyển dụng người sở hữu kỹ năng cụ thể.

Thủ tướng thay mặt Chính phủ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và đề xuất của người công nhân cũng như các doanh nghiệp, bộ, ngành và sẽ phân loại, chỉ đạo các cơ quan liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể để có phản hồi và đưa ra các quyết sách phù hợp.

Thủ tướng đánh giá Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng công nhân kỹ thuật cao cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến năng suất lao động thấp. Hiện nay chỉ có 19% công nhân kỹ thuật cao trong tổng 53 triệu lao động, còn lại là lao động phổ thông. 

Nhìn nhận Việt Nam không thể đi theo con đường lao động giá rẻ mà phải tập trung vào đổi mới, sáng tạo, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ công nhân có tay nghề cao, tận dụng lợi thế dân số vàng để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống công nhân lao động gồm: tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho công nhân lao động; chỗ học tập, vui chơi cho công nhân, con em công nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh trao đổi với công nhân kỹ thuật cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường (trái) thăm khu trưng bày về công nhân lao động - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 7.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho 23 công nhân kỹ thuật có thành tích tiêu biểu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: không thể đi theo con đường lao động giá rẻ - Ảnh 8.

Công nhân kỹ thuật cao đề đạt ý kiến với Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mong mỏi trước cuộc gặp Thủ tướng

TTO - Hôm nay (5-5), nhiều công nhân, lao động kỹ thuật cao đến từ nhiều nơi trong cả nước sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ tại TP.HCM để cùng chia sẻ câu chuyện "Công nhân, lao động kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước".

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp